Thu hút đầu tư để phát triển
“Đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển và tạo việc làm cho người lao động luôn là mục tiêu xuyên suốt mà thành phố Kon Tum thực hiện trong 10 năm qua. Hàng loạt các giải pháp được thành phố Kon Tum đưa ra nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường, đổi mới và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Điều đáng mừng là những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, thay đổi diện mạo đô thị Kon Tum” - đồng chí Nguyễn Văn Điệu - Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Kon Tum bằng nhận định như vậy.
P.V: Thưa đồng chí, để làm tốt công tác thu hút đầu tư, thành phố Kon Tum trong 10 năm qua đã chú trọng vào nội dung nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Điệu: Thành phố Kon Tum đã xác định, để thu hút đầu tư trước hết việc cải thiện môi trường đầu tư là hết sức cần thiết. Đây là điều kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hay nói cách khác là điều kiện tiên quyết, quyết định đến kết quả thu hút đầu tư.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, thành phố Kon Tum đã tập trung rà soát lại các quy hoạch trên địa bàn để xác định chính xác tiềm năng phục vụ công tác kêu gọi, thu hút đầu tư.
Cùng với đó, thành phố chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị phòng, ban thành phố, UBND các xã, phường, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và thực hiện đầu tư trên địa bàn thành phố, chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà.
|
Thành phố đã thực hiện công khai quy trình, thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; nâng cao chất lượng hoạt động Trang thông tin điện tử của UBND thành phố, đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác giới thiệu, quảng bá, cung cấp thông tin, hoạt động xúc tiến đầu tư.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, UBND thành phố đã thành lập Tổ hỗ trợ, xúc tiến đầu tư thành phố Kon Tum; chỉ đạo Tổ xúc tiến đầu tư và các đơn vị phòng, ban thành phố hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư hoặc triển khai đầu tư trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, từ tháng 4/2018 đến nay, hàng tuần, UBND thành phố đều tổ chức gặp gỡ với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn để trao đổi, nắm bắt thông tin và cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển sản xuất kinh doanh.
P.V: Vậy kết quả đạt được bước đầu như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Điệu: Qua rà soát, đề xuất điều chỉnh và đăng ký bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư, thành phố đã được UBND tỉnh quyết định 50 danh mục dự án thu hút đầu tư vào địa bàn giai đoạn 2018-2020, với tổng số vốn đăng ký là 18.584 tỷ đồng.
Theo đó, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin chi tiết của từng dự án để cung cấp dữ liệu phục vụ các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) xây dựng danh mục và quảng bá các dự án để kêu gọi giới thiệu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có điều kiện tìm hiểu thông tin đầu tư vào địa bàn thành phố Kon Tum; triển khai các nội dung thuộc nhiệm vụ thành phố trong Chương trình hợp tác của tỉnh với Thành phố Hồ Chí Minh để thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh.
Đáng mừng là đến nay, trên địa bàn thành phố có 41 dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong số đó đã có các dự án đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả như: Dự án mở rộng tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum, Dự án nhà máy xử lý, tái chế rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Các dự án đang triển khai thực hiện đầu tư như Dự án Khu dân cư Hoàng Thành, Dự án đầu tư Nhà hàng ven sông Đăk Bla thành phố Kon Tum, Dự án Bệnh viện quốc tế Vạn An.
P.V: Là trung tâm chính trị, kinh tế- xã hội của tỉnh, thành phố Kon Tum đã quan tâm thu hút đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị cũng như tập trung hình thành các khu đô thị mới như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Điệu: Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng đô thị thành phố Kon Tum đến năm 2030, UBND thành phố đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển đô thị, trước mắt giải quyết cơ bản những nhu cầu bức xúc về kết cấu hạ tầng. Ngoài các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh huy động, khai thác các nguồn thu để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm phát triển đô thị và từng bước nâng cao chất lượng đô thị.
Nhờ vậy, đến nay, trên địa bàn thành phố có 260 tuyến đường đã được đặt tên, với tổng chiều dài 199,58km; đường hẻm có tên tại 10 phường trên địa bàn thành phố với 388 hẻm, có tổng chiều dài 50,01km và 613,1km đường giao thông nông thôn. Hệ thống giao thông trên địa bàn đảm bảo thông suốt từ trung tâm thành phố đến các xã, phường và từ xã, phường đến tất cả các thôn, làng. Đặc biệt, hệ thống giao thông chính ra vào thành phố đã được đầu tư bê tông nhựa, đáp ứng nhu cầu giao thông, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển về mọi mặt kinh tế, du lịch, dịch vụ, công nghiệp trên địa bàn được thuận lợi.
Ngoài ra, thành phố còn có các công trình cầu, kè sông Đăk Bla được xây dựng và đưa vào sử dụng. 100% các tuyến đường trung tâm nội thành đã có hệ thống điện chiếu sáng công lộ, hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông và hệ thống biển báo hiệu đường bộ theo quy định. Lưới điện quốc gia đã phủ kín đến 11 xã, chất lượng vận hành ổn định, các tuyến đường chính khu vực trung tâm xã đã được đầu tư hệ thống điện chiếu sáng công lộ.
Thành phố đã qui hoạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật phát triển các khu đô thị mới như: Khu dân cư thương mại Sân vận động cũ đường Lê Hồng Phong, Khu sân bay (cũ), Khu nhà máy bia (cũ), Khu quy hoạch dân cư phường Ngô Mây, Khu dân cư phía tây bắc phường Duy Tân. Bên cạnh đó, triển khai các dự án thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội như: Dự án khu dân cư Hoàng Thành, xã Đăk Cấm; Dự án khu đô thị mới phía bắc phường Duy Tân để phát triển mở rộng không gian đô thị. Đối với dự án khai thác quỹ đất do tỉnh quản lý có dự án Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla, diện tích đất sử dụng để đầu tư khoảng 68 ha, đã và đang tổ chức đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thiện và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
Các khu, cụm công nghiệp đã được hình thành và phát triển. Cụ thể 2 khu công nghiệp do tỉnh quản lý gồm: Khu công nghiệp Hoà Bình được đầu tư xây dựng với diện tích 59,22ha (giai đoạn I) và diện tích 70ha (giai đoạn II, tại vị trí mới phường Ngô Mây) đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết và phê duyệt phương án kinh tế kỹ thuật; Khu công nghiệp Sao Mai với diện tích quy hoạch 150ha (giai đoạn I).
Ngoài ra, thành phố còn có Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề H’Nor; Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung, phường Ngô Mây; Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp sản xuất gạch ngói Hòa Bình; Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung 2, phường Ngô Mây được đầu tư các hạng mục và đến nay đã bố trí, sắp xếp hoạt động cho hàng trăm cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 2 nghìn lao động.
PV: Vậy xin đồng chí cho biết trong thời gian tới, thành phố tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư?
Đồng chí Nguyễn Văn Điệu: Thành phố trước hết tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; tích cực phối hợp với các cấp, các ngành giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư vào địa bàn thành phố.
|
Thành phố tăng cường phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư của tỉnh tiếp tục rà soát lại các Dự án quy hoạch trên địa bàn, nhất là quy hoạch đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quy hoạch phát triển các khu cụm công nghiệp, khu du lịch... để xác định chính xác tiềm năng phục vụ công tác kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện để các dự án đang hoạt động phát triển tốt cũng như các dự án đang triển khai, đồng thời rà soát các dự án không có khả năng triển khai đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư các khu đô thị mới kết hợp với dịch vụ và cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ, trung tâm thương mại kết hợp nhà phố, các khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng... ven trục đường quốc lộ, tỉnh lộ, ven sông. Thành phố cũng sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và các ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, lợi thế của thành phố, kêu gọi mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư trên địa bàn; xúc tiến, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án trên địa bàn thành phố như: Tổ hợp thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và nhà phố FLC Kon Tum; Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ FLC Kon Tum; Tổ hợp Trung tâm thương mại - Shophouse Vincom Kon Tum; Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp sân golf và Khu đô thị sinh thái - du lịch gắn với công viên phía bắc Kon Tum; Khu phức hợp đô thị Vinhomes Kon Tum. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh thực hiện Chương trình hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh để thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh...
P.V: Xin trân trọng cám ơn đồng chí!
Bình Toàn (Thực hiện)