Thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách
Thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Đăk Glei tập trung các nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển kinh tế, đặc biệt là chính sách tín dụng, tạo điều kiện cho nhiều hộ phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đến thăm chị Y Tôm, 48 tuổi, dân tộc Giẻ-Triêng ở thôn Đăk Bo, xã Đăk Kroong. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chồng mất năm 2014, một mình chị nuôi 3 con nhỏ và mẹ chồng. Được sự động viên của cấp uỷ, chính quyền, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn, năm 2020 chị vay 70 triệu đồng để đầu tư chăm sóc 2ha cây cao su đã trồng mấy năm trước để tăng năng suất, chất lượng mủ.
Năm 2022, chị vay thêm 30 triệu đồng mua 2 con bò sinh sản để nuôi, năm 2024 phát triển đàn bò được 5 con, dự kiến năm 2026 đàn bò sẽ tăng lên 11 con. Ngoài ra, chị còn trồng 1ha mì, 2 sào ruộng lúa nước. Với thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi, năm 2023, chị đã vượt qua “ngưỡng nghèo”, vươn lên “cận nghèo”; cuối năm 2024, phấn đấu ra khỏi “hộ cận nghèo”, vươn lên thoát nghèo bền vững. “Nếu không có nguồn vốn tín dụng chính sách làm “đòn bẩy” cho tôi nỗ lực, chăm chỉ làm ăn thì mình cứ nghèo mãi, khó thoát khỏi”- chị Y Tôm bộc bạch.
|
Chia tay chị Y Tôm, chúng tôi đến thăm anh A Phích, 49 tuổi, dân tộc Giẻ-Triêng ở thôn Đăk Túc, xã Đăk Kroong. Theo A Phích, anh có 2 lần vay vốn tín dụng chính sách 130 triệu đồng để đầu tư chăm sóc 3ha cây cao su; chăn nuôi 11 con bò, heo, gà, vịt; có thu nhập từ 80-100 triệu đồng/năm, gia đình đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. “Nhờ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, gia đình mình mới có cuộc sống khấm khá như ngày hôm nay”- anh A Phích chia sẻ.
Cũng nhờ vay vốn 30 triệu đồng để nuôi 5 con bò mà chị Y Tiểu (thôn Đăk Ra, thị trấn Đăk Glei) đã thoát nghèo, có nhà ở, cuộc sống ổn định.
Bà Dương Thị Hoa – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đăk Glei cho biết: Đến ngày 30/9/2024, tổng dư nợ đạt 518.056 triệu đồng, tăng 33.649 triệu đồng so với đầu năm, đạt 99,19% kế hoạch, với 210 Tổ TK&VV, 9.002 khách hàng; doanh số cho vay 102.284 triệu đồng; doanh số thu nợ 68.635 triệu đồng. Một số chương trình có dư nợ cao như: cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn 138.226 triệu đồng; cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo 180.072 triệu đồng; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 91.702 triệu đồng; cho vay NS&VSMTNT 52.537 triệu đồng; cho vay phát triển KTXH vùng DTTS&MN theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP 28.802 triệu đồng; cho vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù 858 triệu đồng với 11 đối tượng.
|
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tham mưu cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện HĐQT NHCSXH, phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng; thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu. Đến 30/9/2024, nợ quá hạn 716 triệu đồng, chiếm 0,14%/tổng dư nợ, giảm so với đầu năm 139 triệu đồng; 6/12 xã không có nợ quá hạn, gồm Đăk Long, Đăk Nhoong, Đăk Blô, Đăk Man, Mường Hoong, Ngọc Linh.
Đồng thời thực hiện giải ngân tới các hộ có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập. Cụ thể, cho vay giải quyết việc làm cho 125 lao động tại 2 xã Đăk Pek và Đăk Môn, trồng mới 95 ha cà phê, cao su, 14 ha dược liệu, chăn nuôi 231 con trâu, bò...; đặc biệt, đã tạo việc làm cho 6 đối tượng thụ hưởng là người chấp hành xong án phạt tù.
Từ nguồn vốn nhận ủy thác, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã thực hiện cho vay đúng đối tượng, phát huy hiệu quả vốn vay, bổ sung nguồn vốn cho các đối tượng thụ hưởng. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua, đã giúp cho 9.009 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; góp phần tạo việc làm cho 1.792 lao động, 58 HSSV vay vốn học tập, xây dựng hơn 5.800 công trình nước sạch-nhà vệ sinh, hơn 1.500 căn nhà, mua hơn 1.400 con trâu, bò, trồng hơn 3.400ha cà phê, 2.500ha cao su, hơn 350ha sâm dây, gần 150.000 cây sâm Ngọc Linh; giúp các hộ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, bám đất, bám làng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Qua 3 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều huyện Đăk Glei giảm từ 2.532 hộ (18,91%) năm 2021 còn 1.457 hộ (10,40%) năm 2023; hộ cận nghèo từ 1.226 hộ (9,16%) năm 2021 giảm còn 1.091 hộ (7,79%) năm 2023; đạt 101,12% so với chỉ tiêu, kế hoạch UBND tỉnh giao.
Quang Định