Thị trường thịt lợn: Lấy lại niềm tin với người tiêu dùng
Dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp trong cả nước. Ở tỉnh ta cũng đã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, nhưng trên thị trường, giá thịt lợn không có nhiều biến động và mức tiêu thụ thịt lợn tương đối ổn định. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy người dân đã hiểu đúng về dịch bệnh và không quay lưng lại với thịt an toàn.
Lúc đầu, khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở một số tỉnh, thành và trên các trang mạng xã hội xuất hiện những thông tin sai lệch về loại bệnh này khiến người tiêu dùng hoang mang, nghi ngại và không ít người tiêu dùng quay lưng lại với thịt lợn. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, khuyến cáo của ngành chức năng, người dân dần hiểu rõ vi rút gây ra dịch bệnh này chỉ lây lan trên đàn lợn, không lây sang các vật nuôi khác và không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, giám sát được các cấp, ngành chức năng thực hiện nghiêm ngặt, không để thịt lợn bệnh được đưa ra thị trường; qua đó, từng bước lấy lại niềm tin của người tiêu dùng với thịt lợn. Những ngày gần đây, không khí mua bán thịt lợn tại các chợ dần ổn định trở lại.
Theo các tiểu thương tại chợ Trung tâm thương mại (thành phố Kon Tum), vài tuần nay, giá lợn hơi trên thị trường nhích lên chút ít so với thời điểm tháng 5, dao động ở mức 38.000 – 40.000 đồng/kg. Giá bán thịt lợn tương đối bình ổn, chẳng hạn như: thịt ba chỉ khoảng 75.000 đồng/kg, thịt đùi khoảng 90.000 đồng/kg, sườn khoảng 100.000 đồng/kg, 70.000 – 75.000 đồng/kg đối với thịt vai…
Hiện tại, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại tỉnh ta, nhưng không làm ảnh hưởng tới sức tiêu thụ thịt lợn. Song có một điều dễ nhận thấy là người tiêu dùng cẩn thận hơn, kỹ lưỡng hơn trong việc chọn mua thịt, mọi người đều chú ý lựa những miếng thịt tươi, ngon và phải có dấu kiểm dịch của ngành chức năng.
Chị Đặng Thị Vân (tổ 11, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Trước đây, khi mới nghe về loại bệnh này, tôi thấy rất hoang mang và e ngại khi ra chợ mua thịt lợn. Thế nhưng, từ khi biết dịch tả lợn Châu Phi lại không lây sang người thì tôi đã yên tâm, rồi việc các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ nên tôi tin thịt lợn được bán ra tại các chợ đều an toàn và tôi hoàn toàn an tâm sử dụng.
|
Với những người tiêu dùng kỹ tính và có điều kiện hơn thì họ chọn mua thịt lợn ở những cửa hàng thịt an toàn và siêu thị. Còn với các tiểu thương, hầu như họ đều rất ý thức, trách nhiệm khi mua bán lợn và thịt lợn.
“Bây giờ, người tiêu dùng rất thông thái, ai cũng tinh tế trong việc lựa chọn thực phẩm, họ chỉ chọn mua thịt chất lượng, có dấu kiểm dịch hẳn hoi chứ không ào ào, đại khái như thời điểm không có dịch bệnh. Chúng tôi buôn bán nhiều năm nên luôn coi trọng uy tín, không dại gì hám chút lợi trước mắt mua thịt rẻ hay thịt bệnh về bán mà để mất khách hàng. Mặt khác, hiện nay, mức giá Nhà nước hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bệnh bị tiêu hủy ngang bằng với giá trên thị trường nên nông dân cũng không bán lợn bệnh...” - Chị Tống Thị Hiền (một tiểu thương ở chợ Trung tâm thương mại thành phố Kon Tum) bày tỏ.
Để ngăn ngừa, ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi, bảo vệ ngành chăn nuôi và sức khỏe người tiêu dùng, hiện nay công tác kiểm soát an toàn dịch bệnh tại các lò mổ, các chợ trên địa bàn tỉnh đang được các ngành chức năng, các địa phương siết chặt. Điều này khiến cả người chăn nuôi, người kinh doanh và người tiêu dùng yên tâm và lấy lại niềm tin với thị trường thịt lợn.
Ngọc Thắng