Thị trường thịt lợn: Gặp khó trước “cơn bão” dịch tả lợn Châu Phi
Mặc dù tỉnh ta chưa xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi và các ngành chức năng cũng đã khuyến cáo loại bệnh này không lây sang người, song sức mua các sản phẩm từ thịt lợn trên thị trường vẫn giảm. Người dân lo lắng, thờ ơ, thịt lợn ế ẩm, người bán than thở trong suốt những ngày gần đây.
Thông tin dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện tại một số tỉnh miền Bắc đã ngay lập tức tác động đến thị trường thịt lợn tỉnh ta. Theo ghi nhận của phóng viên, sức tiêu thụ thịt lợn tại một số chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum từ đầu tháng đến nay đã giảm rõ rệt.
Chị Nguyễn Thị Nụ - Tiểu thương tại chợ đêm phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) cho biết: Trước đây, trung bình mỗi ngày tôi bán ra khoảng 1,7 – 1,8 tạ thịt lợn, nhưng hơn 1 tuần nay, lượng thịt bán ra cứ giảm dần xuống 1,5 tạ/ngày, 1,2 tạ/ngày và hiện giờ chỉ được 80kg/ngày. Người mua lẻ dè chừng, người mua buôn lấy ít nên không bán được. Mấy bữa nay, tôi đành phải lấy thêm thịt bò về bán để bù vào khoản thu nhập bị sụt giảm.
Chị Tống Thị Hiền - Tiểu thương ở chợ Trung tâm thương mại thành phố Kon Tum kể: Trước đây, mỗi ngày chị bán khoảng 2 tạ thịt lợn, nhưng từ khi có thông tin dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện thì lượng thịt chị bán hiện giờ chỉ còn hơn 1/3.
“Có thâm niên bán thịt lợn 17 năm nay, nhưng chưa khi nào tôi thấy sức mua của người dân lại sụt giảm mạnh như vậy. Ngày trước, có khi tôi bán nửa ngày đã hết cả 2 tạ thịt lợn, nhưng giờ thì chật vật mới bán được khoảng 70 – 80kg. Nhiều hôm ế ẩm, ngồi cả ngày mà không bán hết, phải hạ giá để lấy lại vốn” - Chị Hiền than vãn với chúng tôi về tình trạng buôn bán ế ẩm.
Theo các tiểu thương, hiện nay, hầu hết nguồn thịt trước khi đưa ra chợ đều được các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Nhiều người bán hàng cũng tích cực tuyên truyền cho người tiêu dùng biết là trên địa bàn tỉnh ta chưa có dịch tả lợn Châu Phi và loại bệnh này cũng không lây lan sang người, nhưng người dân vẫn có tâm lý e ngại, đề phòng. Nhất là, trong mấy ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện những tin đồn không chính xác về sự nguy hại của dịch tả lợn Châu Phi càng khiến người dân hoang mang, không dám ăn thịt lợn.
Qua tìm hiểu, phóng viên ghi nhận một bộ phận người dân vẫn mua thịt lợn ở chợ, nhưng kỹ càng hơn, thận trọng hơn khi chọn lựa.
Tuy nhiên, có nhiều người dân mang tâm lý “phòng bệnh còn hơn chữa bệnh” nên e dè, thậm chí từ chối thịt lợn và các sản phẩm làm từ thịt lợn, chuyển sang các nguồn thực phẩm khác như thịt bò, gia cầm, cá... để sử dụng cho bữa ăn gia đình.
Một số người vẫn tiêu dùng thịt lợn, nhưng lại đi tìm các nguồn thịt khác mà theo quan niệm của họ là an toàn và tin tưởng hơn khi mua ở chợ như là tìm mua lợn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ về mổ rồi trữ đông dùng dần; mua thịt trong siêu thị, cửa hàng thịt an toàn...
|
Chị Phạm Thị Nhi (đường Nguyễn Sinh Sắc, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Mấy hôm nay, bật máy tính, điện thoại lên là thấy nhan nhản các thông tin về dịch tả lợn Châu Phi. Mặc dù tôi cũng biết, tỉnh ta chưa có bệnh này và nếu lỡ có ăn phải thịt lợn bị bệnh thì cũng không lây sang người, thế nhưng, nói thật tôi vẫn thấy rất lo. Song, vì thịt lợn là nguồn thực phẩm chính không thể thiếu trong bữa ăn của gia đình nên khi một người quen mổ con lợn gia đình họ nuôi, tôi mua luôn gần 10kg để trong tủ lạnh ăn dần.
Không ít người cũng có ý nghĩ cứ né, phòng cho chắc như chị Nhi dẫn đến sức mua thịt lợn trên thị trường sụt giảm mạnh. Điều này kéo theo giá bán lợn hơi cũng giảm đáng kể. Hiện tại, giá lợn hơi được thương lái mua của người dân vào khoảng 46.000 – 47.000 đồng, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Theo chị Nguyễn Thị Hường – tiểu thương tại chợ nhỏ Nguyễn Thị Minh Khai (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum), trước đây, những đợt dịch như lở mồm long móng, lợn tai xanh xuất hiện trên địa bàn tỉnh thì sức mua thịt lợn của người tiêu dùng cũng không giảm nhiều. Thế nhưng, chỉ có đợt này, có lẽ vì dịch tả lợn Châu Phi là loại bệnh lạ, mới xuất hiện ở nước ta nên người dân mới lo lắng nhiều và dè chừng với thịt lợn.
Các tiểu thương buôn bán thịt lợn kiến nghị các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng thông tin nhiều hơn nữa để người dân không quay lưng lại với thịt lợn.
“Nói thật, chúng tôi buôn bán thiệt hại 1 thì người chăn nuôi thiệt hại gấp 5 – 7 lần vì chúng tôi không bán thịt lợn thì bán thịt khác, giá lên thì bán lên, giá xuống thì bán xuống nhưng người chăn nuôi họ vất vả nuôi ra đàn lợn gặp phải lúc thị trường không thuận lợi, bán rẻ, bán ế, thua lỗ thì vô cùng khổ” – chị Tống Thị Hiền giãi bày.
Song song với công tác phòng dịch, việc đẩy mạnh công tác truyền thông để người tiêu dùng vừa nâng cao cảnh giác với dịch bệnh vừa hiểu đúng, hiểu đủ, chọn thực phẩm an toàn mà không quay lưng với thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là điều mà các ngành chức năng, địa phương cũng cần tăng cường thực hiện. Đây là một trong những biện pháp để bảo vệ người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Thiên Hương