Thành phố Kon Tum: Nông dân “không còn mặn mà” với cây mía
Trước đây, mía là cây trồng đã giúp cho hàng trăm hộ gia đình ở thành phố Kon Tum “ăn nên làm ra”, phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhưng hiện nay, loại cây trồng này không còn đem lại hiệu quả kinh tế như trước, vì vậy mức độ quan tâm chăm sóc của người dân cũng vì thế suy giảm dần.
Trước đây, ở thành phố Kon Tum hầu như “nhà nhà trồng mía, người người trồng mía”, các hộ nông dân thi nhau đầu tư trồng mía đã trở thành phong trào. Theo thống kê, có thời điểm trên địa bàn thành phố có gần 3.000ha mía.
Ngồi trong căn nhà khá khang trang trên đường Phạm Văn Đồng, ông Phan Ngọc Tấn ở tổ 3, phường Trần Hưng Đạo chia sẻ với chúng tôi: Gia đình tôi đủ ăn, đủ mặc, xây được nhà cửa, lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn cũng nhờ vào hơn 30ha mía. Cũng như nhiều hộ dân nơi đây, chúng tôi gắn bó lâu năm và chính loại cây trồng này đã giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhưng những năm gần đây, cây mía “không còn vị ngọt” như trước, gia đình tôi cũng dần bỏ trồng mía mà chuyển sang làm trang trại chăn nuôi heo.
Chúng tôi được biết không riêng gì gia đình ông Phan Ngọc Tấn, mà hầu hết các hộ trồng mía hiện nay ở những diện tích mía lưu gốc cũng chỉ đang chăm sóc cầm chừng. Nhiều hộ thậm chí chẳng ngó ngàng gì tới cây mía.
Theo chân một người quen đi đến vùng mía của xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum), nơi đây có lúc cây mía chiếm tỷ lệ cao nhất trong diện tích cây trồng hàng năm của xã, với gần 500 ha. Hầu hết các hộ nông dân ở địa phương gắn bó với cây mía từ nhiều năm. Đối với nhiều người dân ở đây, cây mía chẳng những đem lại kinh tế mà còn bổ sung nguồn thức ăn cho trâu, bò khi thời tiết bước vào mùa khô. Do đó, chỉ khi cây mía cho hiệu quả kinh tế quá thấp thì người dân mới phải chuyển sang cây khác; bởi, với họ sản phẩm cây mía còn tận dụng được trong chăn nuôi trâu bò nên không dễ gì phá bỏ.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài giá cả thị trường, đối với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến mía, mì ở tỉnh, việc phát triển vùng nguyên liệu có ý nghĩa sống còn. Doanh nghiệp nào xây dựng được vùng nguyên liệu phục vụ ổn định cho nhà máy, doanh nghiệp đó sẽ thắng.
|
Sự cạnh tranh diện tích giữa cây mía và mì phụ thuộc nhiều vào chính sách phát triển vùng nguyên liệu của các nhà máy, giá cả thị trường và lợi nhuận thu được trên một đơn vị diện tích từ cây trồng đó đem lại. Người nông dân chỉ phát triển cây trồng nào khi thấy chính sách của nhà máy thuận lợi và lợi nhuận thu được cao hơn trên một đơn vị diện tích.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong năm 2018, toàn tỉnh chỉ còn 1.314 ha mía, giảm gần 400ha so với năm 2017. Trong khi đó diện tích mì tăng lên 39.667ha. Do diện tích mía vùng nguyên liệu giảm, nên hàng năm, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum phải mua mía ngoài tỉnh, chi phí vận chuyển mía (chủ yếu từ tỉnh Gia Lai) về cao, nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Hồng Thái – Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Kon Tum cho biết, để mở rộng vùng nguyên liệu, công ty có chính sách đầu tư hỗ trợ tiền cày đất, hỗ trợ phân bã bùn cải tạo đất, đầu tư giống mía, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (tính lãi theo lãi suất cho vay cùng thời điểm của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Kon Tum, lãi suất khoảng 7%/năm, tương đương 0,58%/tháng) để thu mua mía nguyên liệu cho nông dân.
Được biết, đến thời điểm này, giá đường hiện đang ở quanh mức thấp nhất 1 thập kỷ, dao động từ 10.500- 11.000 đồng/kg, nên giá thu mua nguyên liệu mía của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum niên vụ 2018-2019 là 830.000 đồng/tấn, giảm khoảng 120.000 đồng/tấn so với các niên vụ trước. Giá thu mua mía giảm nhiều trong niên vụ này, khiến nhiều nông dân không mấy "mặn mà".
Hiện nay, có sự cạnh tranh phát triển diện tích giữa mía và mì, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh thực hiện Đề án giúp nông dân chuyển đổi đất ruộng thường xuyên thiếu nước sang trồng cây hàng năm (chủ yếu là mì), thì nhà máy nào có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển thuận lợi hơn, biết chia sẻ lợi nhuận với nông dân nhiều hơn và giúp nông dân thu được lợi nhuận trên một đơn vị diện tích cao hơn, nhà máy đó sẽ có vùng nguyên liệu ổn định và sẽ đạt hiệu quả hơn trong sản xuất kinh doanh.
Ngành mía đường Kon Tum đang đối mặt với bài toán khó trước áp lực cạnh tranh từ cây mì và đường nhập khẩu. Người dân tự hỏi, mía có còn “ngọt”, một khi giá đường giảm dần, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum chưa nói rõ việc bảo hiểm giá mía tại ruộng theo hợp đồng đầu tư là bao nhiêu, để nông dân yên tâm phát triển vùng nguyên liệu. Vì vậy, việc nông dân trên địa bàn thành phố “không mặn mà” với cây mía cũng là điều đương nhiên theo nguyên tắc chi phối của lợi ích mang lại.
Thiết nghĩ, bên cạnh những chính sách mang tính vĩ mô của Nhà nước, đã đến lúc cần có sự “ngồi lại” giữa doanh nghiệp sản xuất mía đường với người trồng mía nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của đôi bên. Có như vậy thì mới mong ngành mía đường của tỉnh phát triển bền vững.
Dương Lê