Thành phố Kon Tum: Khi tất cả cùng “xắn tay vào cuộc”
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn thành phố Kon Tum đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt. Qua đó, giúp người dân từng bước thay đổi nhận thức, thói quen lựa chọn hàng hóa, ngày càng tin tưởng và ưu tiên sử dụng hàng Việt; doanh nghiệp tích cực hơn trong việc đưa hàng Việt phủ sóng trên thị trường, nâng cao hơn trách nhiệm với người tiêu dùng.
Xác định công tác tuyên truyền luôn là một trong những yếu tố then chốt nhằm đem lại thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thành phố Kon Tum chủ động phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, ý nghĩa, mục đích của Cuộc vận động đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Theo đó, Uỷ ban MTTQVN các cấp phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, vận động, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng hành động cụ thể, thiết thực. Trong đó, nêu cao vai trò của các cán bộ, viên chức, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc trong tiêu dùng cá nhân, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cả hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố Kon Tum “xắn tay vào cuộc”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên dùng hàng Việt và từng bước đem lại hiệu quả trong thực tiễn.
|
Qua 10 năm triển khai Cuộc vận động, nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân đã dần thay đổi; người dân ngày càng tin tưởng, ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh trong nước làm ra.
Song song với đó, thành phố Kon Tum tiến hành vận động, khuyến khích các cơ quan, đơn vị ưu tiên sử dụng hàng hóa do Việt Nam sản xuất khi đầu tư mua sắm công. Các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh khi triển khai các dự án, công trình… ưu tiên sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu, dịch vụ nội địa có chất lượng.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, các cấp, các ngành của thành phố Kon Tum luôn chú trọng vận động các đơn vị đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, giá thành hợp lý, mở rộng các điểm bán hàng, hạ giá thành sản phẩm.
Thành phố chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm cho các đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, kịp thời biểu dương các tấm gương tập thể, cá nhân thực hiện tốt Cuộc vận động, nêu gương các cơ sở chấp hành tốt các quy định của pháp luật và phê phán những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có hành vi vi phạm pháp luật.
Những năm qua, thành phố Kon Tum luôn chú ý thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong và ngoài thành phố tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại địa bàn nông thôn, vùng xa trung tâm; vận động các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ hàng Việt tại các cửa hàng bán lẻ, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và đăng ký tham gia thương hiệu quốc gia; phối hợp tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, thị trường nông thôn…
UBND thành phố chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành liên tục kiểm tra theo từng chuyên đề, nội dung để thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Quá trình kiểm tra được lồng ghép với việc phổ biến kiến thức về quyền lợi người tiêu dùng, tuyên truyền về Luật Bảo vệ người tiêu dùng, từ đó xây dựng văn hóa tiêu dùng và nâng cao ý thức trách nhiệm với người tiêu dùng của các nhà sản xuất, kinh doanh.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với công tác tuyên truyền; trong thời gian tới, UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục triển khai chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực của thành phố; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng thêm các mặt hàng chủ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm và bảo vệ thương hiệu trên thị trường.
Thành phố tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp hình thành liên kết sản xuất hàng hóa; xây dựng mô hình các chuỗi cung ứng bền vững từ sản xuất - phân phối - tiêu dùng; tạo điều kiện để các đơn vị nhỏ và vừa được tham gia vào chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm sản xuất trên địa bàn và từng bước tạo nên các thương hiệu sản phẩm đặc hữu của địa phương. Từ đó, đưa hàng hoá của thành phố phủ sóng rộng rãi trên thị trường, tạo điều kiện để người dân tiêu dùng, sử dụng hàng hoá của địa phương…
Sau 10 năm thực hiện, phong trào người Việt dùng hàng Việt đang ngày một lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Kon Tum, từng bước xây dựng văn hóa tiêu dùng tốt đẹp. Qua đây, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước nói chung và của thành phố Kon Tum nói riêng phát triển.
Bài và ảnh: Thiên Hương