Thành phố Kon Tum: Huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình quan trọng, trong những năm qua, thành phố Kon Tum huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và vận động người dân đoàn kết xây dựng có hiệu quả nông thôn mới ở địa phương.
Theo ông Hà Đường - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, không tính các năm trước, riêng năm 2016, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và huy động các nguồn lực, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Trên lĩnh vực cơ sở hạ tầng, thành phố huy động trên 16 tỷ đồng (kể cả trả nợ năm trước) đầu tư xây dựng nhiều tuyến giao thông nông thôn, trường học và hỗ trợ xây dựng nhà rông văn hóa… ở các thôn làng. Theo đó, thành phố bê tông 15 tuyến đường với chiều dài gần 3km, tu sửa gần 4km đường đi khu sản xuất, xây dựng 3 trường học, sửa chữa nhiều lớp học và 12 nhà văn hóa.
Việc phát triển sản xuất ở thành phố từng bước được gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình nông thôn mới và nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, các tổ chức đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) tín chấp cho các hội viên vay gần 40 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng và thực hiện các mô hình sản xuất, góp phần quan trọng cho sản xuất nông nghiệp phát triển.
|
Đặc biệt, các cấp chính quyền, các cơ quan làm công tác khuyến nông tích cực hỗ trợ nông dân các xã chuyển đổi đất ruộng 1 vụ lúa thành đất sản xuất 2 vụ (1 vụ lúa, 1 vụ rau hoa) và chuyển đổi đất trồng lúa thường xuyên bị thiếu nước trong vụ đông xuân sang trồng cây hàng năm khác như mỳ, rau, bắp, đậu các loại (theo Đề án chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước tưới vụ đông xuân). Hiện nay, các xã Đăk Năng, Vinh Quang, Ngọc Bay, Kroong đang thực hiện mô hình điểm chuyển đổi 200 ha đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước tưới sang trồng mỳ.
Đối với việc phát triển chăn nuôi, thành phố đang thực hiện phương án nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo từ tinh bò lai và được người nông dân ở các xã tích cực hưởng ứng.
|
Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Thông qua việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng trường, lớp, trang thiết bị dạy học và đổi mới trong dạy, học, chất lượng giáo dục ở địa phương tiếp tục được nâng lên. Theo đó, đến nay, thành phố có 15/21 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học ở mức độ 2.
Cơ sở hạ tầng của mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được đầu tư và nâng cấp. Việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tiếp tục được nâng cao; nhiều dịch bệnh được đẩy lùi và khống chế. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 90,47% số trạm y tế có bác sĩ; gần 70% số người dân tham gia bảo hiểm y tế. Các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các cơ sở y tế dần được nâng cao về số lượng và chất lượng.
Các cơ sở vật chất văn hóa-thể thao tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, các thôn làng phát huy được sức dân xây dựng và tu sửa các nhà rông văn hóa. Các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Trong năm, thành phố mở trên 61 lớp dạy cồng chiêng cho trên 1.000 người dân. Nhiều làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển.
Việc vệ sinh môi trường nông thôn thành phố tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, thông qua cuộc vận động “5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và người dân ở các thôn làng, vệ sinh môi trường có nhiều thay đổi. Nhiều thôn làng, các hộ dân xây dựng khu vệ sinh, đào hố xử lý rác thải, thành lập tổ thu gom rác thải…bảo vệ môi trường. Cảnh quan và môi trường nông thôn ngày càng sạch, đẹp hơn.
Bằng việc huy động các nguồn đầu tư xây dựng nông thôn mới, tính đến thời điểm này, thành phố Kon Tum có 3 xã (Đoàn Kết, Hòa Bình, Ia Chim) đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 5 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 2 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Diện mạo nông thôn tiếp tục có nhiều thay đổi. Đời sống văn hóa vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao hơn trước.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, năm 2017, thành phố Kon Tum đặt ra mục tiêu tiếp tục ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn; hỗ trợ xây dựng và phát triển các hình thức tổ chức xuất có hiệu quả gắn với việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường.
Đào Nguyên