Thành phố Kon Tum: Gặp khó khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng bị hạn
Thời gian qua, thành phố Kon Tum đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có đất sản xuất lúa ở các vùng thường xuyên bị hạn chuyển sang các loại cây trồng khác như hoa màu, mía, cao su… Tuy nhiên, hiện nay, đầu ra của các loại nông sản trên đang bấp bênh theo kiểu “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, dẫn tới tình trạng người dân có chiều hướng quay lại trồng lúa như trước đây.
Theo số liệu của Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, từ năm 2017 đến 2019, thành phố có 242 ha đất sản xuất thường xuyên bị hạn được chuyển đổi sang trồng cây hoa màu, rau quả và các loại cây khác. Trong đó, xã Đăk Năng đã chuyển đổi 90 ha, Kroong hơn 72 ha, Vinh Quang 45 ha, Đoàn Kết 12,5 ha, Ngọc Bay 7 ha…
Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương và ngành chức năng thành phố, hiện nay, phần lớn diện tích trên, người dân đang có xu hướng quay lại trồng lúa, nguyên do nông sản sau thu hoạch có giá bán quá thấp, hoặc thu hoạch xong không có nơi tiêu thụ đành vứt bỏ trên đồng ruộng.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Thanh Thúy – Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết, thời gian qua, địa phương rất quan tâm đến công tác phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp từng vùng trên địa bàn, nhất là vùng sản xuất bị hạn thường xuyên. Trong đó chú trọng tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, giới thiệu và tư vấn các loại giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao.
|
Điển hình như ở thôn 7 (xã Đoàn Kết), các hộ gia đình chuyển đổi đất trồng lúa bị hạn sang trồng các loại cây khác, nhưng hiện đang có xu hướng chuyển về trồng lúa. Đưa phóng viên đi thực tế, anh Lê Hồ Kim Trọng – cán bộ phụ trách địa chính - nông nghiệp xã Đoàn Kết kể: Vụ đông xuân năm 2015-2016, toàn vùng này có khoảng 15/25 ha lúa bị hạn. Khi ấy, bà con đã được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để khắc phục sản xuất, đồng thời thống nhất chuyển gần 10 ha sang trồng các loại cây khác chịu được khô hạn như mía, cao su, hoặc các loại rau màu, hoa…. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, các loại nông sản này rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nên một số hộ gia đình muốn quay lại trồng lúa.
Ông Đỗ Văn Tình có gần 1ha đất trồng lúa nằm trong vùng khả năng bị hạn chuyển sang trồng hoa màu cho biết, từ tháng 2 đến nay, gia đình bỏ luôn 5 sào ớt vì thương lái thu mua ớt chín với giá chưa tới 1.000 đồng/kg. “Gia đình tôi mới thu hoạch xong 5 sào dưa leo, giá bán chưa tới 5 ngàn đồng/kg. Nếu tính từ đầu năm đến nay, tôi lỗ 200 triệu đồng đầu tư cây giống, nhà giàn, phân bón và chưa kể công cán cả nhà bỏ ra trong gần 3 tháng. Vợ chồng tôi đang tính trồng lúa 1 vụ mùa trở lại, dù sao cũng có thu hoạch, không phải nợ nần khi mùa màng thất bát” - ông Tình than.
Cách khu đất canh tác của ông Tình không xa là 3 sào cà chua của chị Nguyễn Thị Nhung. “Vào chính vụ, giá thương lái thu mua chưa tới 1.000đồng/kg, nên tôi phải phá bỏ, vì thu vào không đủ trả công thu hái” - chị Nhung nói.
Từ năm 2017 đến nay, xã Vinh Quang cũng có 65 ha đất sản xuất lúa vùng bị hạn được chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, như mì, mía, hoa màu. Tuy nhiên, do tình trạng giá cả bấp bênh, thiếu ổn định dẫn tới việc người dân chặt bỏ nhiều diện tích cây trồng trên đất chuyển đổi, chuyển sang cây trồng khác. Đơn cử, 2 năm trở lại đây, nhân dân trồng hơn 20 ha mía trên vùng đất bị hạn, nhưng giá mía thu mua của doanh nghiệp quá thấp, khoảng 8 -9 triệu đồng/tấn và tiền bán mía không được trả kịp thời, nên bà con không còn mặn mà với cây trồng này.
Một lãnh đạo xã Vinh Quang cho hay, hiện tại, người dân trên địa bàn đã chặt bỏ phần lớn diện tích mía trên đất chuyển đổi. Trong khi đó, không ít hộ trồng dưa hấu, rau màu cũng lao đao vì đầu ra không ổn định, mất giá khi vào chính vụ, nên đang loay hoay tìm loại cây trồng khác với hy vọng cho thu nhập ổn định hơn…
Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết Trần Thị Thanh Thúy cho rằng, vận động bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp trên diện tích đất trồng lúa thường xuyên bị hạn là một nỗ lực lớn của địa phương, nhưng để tránh tình trạng nông sản của bà con sản xuất ra bị ép giá, hoặc không có nơi tiêu thụ, rất cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương trong việc bao tiêu sản phẩm, bảo quản và chế biến nông sản.
Thiết nghĩ, đây cũng là ý kiến chung của các địa phương và người dân có diện tích sản xuất nông nghiệp nằm trong vùng thường xuyên bị hạn.
Mai Trâm