Thành phố Kon Tum: Căng mình chặn dịch tả lợn châu Phi
Sau khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại huyện Đăk Hà, thành phố Kon Tum ở vào thế “lưỡng đầu thọ… dịch”. Nhận định nguy cơ dịch bệnh lây lan vào địa bàn rất cao, thành phố Kon Tum đang căng mình triển khai các biện pháp ngăn chặn…
Tuyên truyền rộng
Theo số liệu thống kê mới nhất của Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, hiện trên địa bàn thành phố có 1.301 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn 21.401 con (chiếm khoảng 60% tổng đàn lợn toàn tỉnh). Trên địa bàn thành phố hiện chưa có khu chăn nuôi tập trung, hình thức chăn nuôi chủ yếu theo quy mô chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, đan xen trong khu dân cư; quy mô chăn nuôi trên 1.000 con chưa nhiều.
“Tuy đến nay chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, nhưng chúng tôi xác định rằng, nguy cơ lây nhiễm là rất cao, do có các tuyến quốc lộ (Quốc lộ 14, Quốc lộ 24) đi qua; hoạt động vận chuyển, mua, bán lợn sống và các sản phẩm từ lợn khá phức tạp; cộng thêm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn hàng ngày rất lớn. Vì vậy, trong những ngày qua, hàng loạt biện pháp nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh đã được triển khai” - ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết.
Trước hết, UBND thành phố khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống, khống chế dịch tả lợn Châu phi do Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp làm Trưởng ban; lập các Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại các xã, phường; thành lập Tổ kiểm tra hoạt động mua, bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố...
“Một trong những nhiệm vụ được chúng tôi đặc biệt quan tâm triển khai là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ chăn nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh” - ông Nguyễn Xuân Ninh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum nói.
Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng ban hành hướng dẫn cách nhận biết và quy trình phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đến 100% hộ chăn nuôi; bố trí lực lượng chuyên môn phụ trách địa bàn theo dõi tình hình, diễn biến dịch bệnh; vận động nhân dân thực hiện tốt "5 không" (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn ốm chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa khi chưa qua xử lý làm thức ăn cho lợn), thực hiện phương châm "chống dịch như chống giặc".
Đồng thời, thành phố tăng cường công tác vận động chủ hộ chăn nuôi chủ động phối hợp trong việc thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng ngừa bệnh gia súc, gia cầm đợt I/2019. Đến nay, thành phố đã tiếp nhận từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh 900 lít hóa chất benkocid và các loại vật tư thú y khác, cấp phát cho UBND các xã, phường.
Siết chặt cửa ngõ ra vào
Ngay sau khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở tỉnh Gia Lai, rồi lần lượt lan tới các địa phương trong tỉnh như Ia H’Drai, Đăk Hà, thành phố Kon Tum đã tăng cường kiểm tra, giám sát địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.
“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vào lúc này là thực hiện việc chốt chặn, siết chặt các tuyến giao thông ra vào địa bàn” - ông Nguyễn Xuân Ninh cho hay.
|
Cụ thể, UBND thành phố Kon Tum đã chỉ đạo UBND các xã, phường phối hợp với Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố lập 8 chốt kiểm dịch tạm thời tại các xã giáp ranh với các vùng, địa phương xuất hiện dịch, gồm 2 chốt ở xã Hòa Bình, 3 chốt ở xã Ia Chim, 1 chốt ở xã Đăk Rơ Wa, 1 chốt ở xã Kroong, 1 chốt ở xã Đăk Cấm. Các chốt có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn; rắc vôi bột, phun hóa chất để tiêu độc, khử trùng phương tiện lưu thông qua chốt; phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm…
Đến nay, các chốt kiểm dịch đã thực hiện tốt công tác bố trí lực lượng trực chốt 24/24 (gồm Thú y, Công an, Dân quân xã); tiến hành đảm bảo công tác khử trùng, tiêu độc đối với các phương tiện vận chuyển đi vào địa bàn, đồng thời kiểm soát hoạt động vận chuyển gia súc, đặc biệt là vận chuyển lợn vào địa bàn.
Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động mua, bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố tiếp tục được tăng cường. UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ gia súc; thành lập Đoàn kiểm tra tình hình mua, bán, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Bên cạnh đó, để chủ động triển khai ứng phó kịp thời với tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, UBND thành phố bố trí kinh phí phòng, chống dịch theo quy định; chỉ đạo UBND các xã, phường xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên địa bàn; có nhiều phương án xử lý lợn nhiễm bệnh; chuẩn bị đầy đủ kinh phí, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, nhân sự; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; khảo sát, xác định cụ thể vị trí chôn lấp, tiêu hủy tại chỗ gia súc mắc bệnh để sẵn sàng sử dụng khi có yêu cầu.
Còn đó nỗi lo
Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp nói trên, cho đến nay, thành phố Kon Tum vẫn bảo vệ an toàn cho đàn lợn 21.401 con trước sự “uy hiếp” của dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Nam, công tác phòng dịch vẫn đang ở trong giai đoạn căng thẳng nhất, vì dịch bệnh có thể ập đến bất cứ lúc nào.
“Điều khiến chúng tôi lo lắng là, từ thực tế triển khai cho thấy có không ít khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục, nếu như muốn phòng dịch có hiệu quả” - ông Phan Thanh Nam chia sẻ.
Trước hết, do trên địa bàn thành phố Kon Tum chưa có khu chăn nuôi tập trung, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, đan xen trong khu dân cư nên rất khó kiểm soát được tổng đàn, tiềm ẩn nhiều yếu tố lây bệnh nhanh và rộng. Bên cạnh đó, ở tất cả các xã, phường đều có nhiều hộ kinh doanh giết mổ gia súc, hoạt động chủ yếu tại các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm, không có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, vận chuyển thịt lợn bằng xe máy không có bao gói, gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động giết mổ và kiểm dịch.
Việc kiểm soát vận chuyển, giết mổ tại các xã, phường giáp ranh với các địa phương đã có dịch cũng là mối quan tâm của thành phố trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Với địa bàn rộng, lại giáp ranh tỉnh Gia Lai và huyện Đăk Hà (đã công bố dịch) nên nhiệm vụ kiểm soát vận chuyển gia súc vào địa bàn khá nặng nề.
“Không loại trừ tình trạng người dân vận chuyển nhỏ lẻ qua các đường ngang, ngõ tắt, nhập lậu vào thành phố Kon Tum tiêu thụ, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao” - ông Nguyễn Xuân Ninh nhận định.
|
Theo ông Phan Thanh Nam, vấn đề nhân lực cũng là một bài toán khó. Để triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống, khống chế dịch trên địa bàn, phải cùng lúc triển khai nhiều giải pháp (như lập các chốt kiểm dịch tạm thời, triển khai tiêu trùng, khử độc; kiểm tra, giám sát hoạt động mua, bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; xử lý nhanh việc lấy mẫu để đưa đi xét nghiệm khi có lợn chết...); trong khi đó, lực lượng có chuyên môn mỏng, khó đáp ứng được trong điều kiện công tác phòng dịch còn kéo dài.
Một nỗi lo nữa là vấn đề kinh phí. Từ đầu năm, UBND thành phố đã tạm ứng ngân sách trên 3 tỷ đồng để thực hiện công tác phòng, chống dịch (hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có gia súc bị dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh, hỗ trợ kinh phí cho các Chốt kiểm dịch tạm thời...). So với nhu cầu, nguồn kinh phí tạm ứng trên chỉ như “muối bỏ biển”, trong khi phải chi trả cho rất nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh, bao gồm hỗ trợ tiêu hủy lợn, chi phí lấy mẫu, chẩn đoán xét nghiệm, thù lao cho lực lượng phòng, chống dịch bệnh…
Hồng Lam