Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ
Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của toàn ngành công nghiệp; nhất là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, tỉnh ta đã xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo đà thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Những năm trở lại đây, sản xuất công nghiệp của tỉnh có những bước tăng trưởng khá. Tuy nhiên, tỉnh ta hiện tại chưa có các doanh nghiệp sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, chủ trương của tỉnh trong thời gian tới là tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, góp phần tạo tiền đề để công nghiệp của tỉnh đi lên.
Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh và định hướng phát triển của ngành công nghiệp, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020, hình thành các cơ sở công nghiệp hỗ trợ và đến năm 2025, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu sản xuất công nghiệp trong tỉnh. Ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh ta được thực hiện trên các lĩnh vực là hỗ trợ ngành công nghiệp dệt may - giày da; linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa – cao su và linh kiện phụ tùng điện – điện tử và công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao. Sự đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ được chia làm 2 giai đoạn thực hiện là trong năm 2019 – 2020 và từ năm 2021- 2025.
|
Tỉnh xác định hướng đi trong giai đoạn từ 2019 – 2020 là tập trung đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên các dự án phù hợp với hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là các dự án sản xuất phụ liệu ngành may như cúc, mex, khoá kéo, băng chun; dự án sản xuất các phụ tùng đặc thù của ngành may như bàn chân máy khâu, máy cắt, máy kiểm vải; dự án phục vụ ngành da giày như sản xuất đế giày, mũi giày và phụ liệu giày chất lượng cao. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may – da giày trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp.
Trong 2 năm 2019 - 2020, tỉnh cũng sẽ ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa – cao su và linh kiện phụ tùng điện – điện tử. Trong đó, phấn đấu hình thành được các cơ sở sản xuất máy nông nghiệp giản đơn, thiết bị thay thế của các nhà máy thuỷ điện. Mục tiêu là đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có doanh nghiệp sản xuất xăm lốp ô tô, linh kiện cao su, vật liệu giảm chấn từ nguyên liệu cao su.
Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh ta cũng chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao; hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc gia phục vụ cho công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, làm tiền đề phát triển sản xuất thiết bị, phần mềm.
Bên cạnh các chính sách ưu đãi, ưu tiên cho doanh nghiệp, tỉnh cũng sẽ tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, trích một phần kinh phí để quảng bá, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ...
Theo đó, trong giai đoạn 2019 – 2020, tỉnh dự kiến dành nguồn vốn khoảng 1,04 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh ta dự kiến bố trí gần 11 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách tỉnh, huy động từ các nguồn khác để kết nối, tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong nước và một số tỉnh Nam Lào, xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh... Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ...
|
Phát triển công nghiệp hỗ trợ là xu hướng tất yếu trong thời kỳ hiện nay, không chỉ phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ tạo động lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp toàn tỉnh phát triển, qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Thiên Hương