Tăng cường huy động vốn, tập trung giải quyết nợ xấu
Từ đầu năm đến nay, hoạt động huy động vốn tại các ngân hàng thương mại và các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi, đạt mức tăng trưởng khá. Các ngân hàng tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi, nhất là trong khu vực dân cư; tích cực áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42), ngày 21/6/2017 của Quốc hội “về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”.
Theo số liệu thống kê, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đến 31/5/2019 đạt 14.430 tỷ đồng, tăng 0,4% (tăng 53 tỷ) so với đầu năm, trong đó tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng chiếm 40% nguồn vốn huy động (bằng 5.700 tỷ đồng).
Điều đáng mừng là nguồn vốn huy động trong tháng 4 và tháng 5 ổn định, đang có xu hướng tăng nhẹ so với các tháng đầu năm. Tăng trưởng huy động vốn đã tạo điều kiện cho các ngân hàng bảo đảm khả năng thanh toán và đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tín dụng và tình hình kinh tế địa phương, các ngân hàng thương mại và các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tích cực thực hiện các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Vốn tín dụng được tập trung đầu tư trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh; cơ cấu cho vay tiếp tục dịch chuyển phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
|
Hiện ngành ngân hàng tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước tỉnh tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng củng cố, chấn chỉnh hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tập trung xử lý, tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm dần hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tính đến 31/5/2019, tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn đến ước đạt 29.300 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 2,7% (tăng 771 tỷ đồng). Trong đó dư nợ ngắn hạn 16.800 tỷ (chiếm 57% tổng dư nợ); dư nợ trung dài hạn 12.500 tỷ (chiếm 43%). Nợ xấu 550 tỷ đồng, chiếm 1,88% tổng dư nợ. Nợ xấu, chủ yếu tại Agribank Kon Tum, do 02 khách hàng doanh nghiệp tạm thời gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, mặt hàng lâm sản giảm giá nên chưa trả nợ đúng hạn và các doanh nghiệp này cam kết khắc phục trước 30/6/2019.
Ông Hoàng Minh Tân - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, trong 5 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội và Thông tư số 02/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tích cực kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Các tổ chức tín dụng chủ động triển khai các giải pháp, như đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, cơ cấu nợ xấu; hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi sản xuất, kinh doanh; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm, thu nợ và tăng cường xử lý tài sản bảo đảm…Đồng thời các tổ chức tín dụng trên địa bàn mở rộng tín dụng phù hợp với khả năng nguồn vốn; triển khai kịp thời các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất huy động, lãi suất cho vay, các lĩnh vực được ưu tiên về vốn và lãi suất để các doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn…
Với việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã góp phần đưa hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ngày càng minh bạch, ổn định và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai để giữ ổn định thị trường tiền tệ trên địa bàn.
Dương Lê