Tái đàn lợn sau dịch vướng nhiều khó khăn
Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh ta đã được kiểm soát, 10/10 huyện, thành phố đều hết dịch. Dẫu vậy, công tác tái đàn lợn sau dịch hiện đang diễn ra rất chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thời gian qua, dịch tả lợn Châu Phi làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của ngành chăn nuôi tỉnh ta, số lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy lớn khiến tổng đàn lợn suy giảm đáng kể. Dịch bệnh xảy ra và kéo dài gần 1 năm qua đã làm 7.390 con lợn bị bệnh và phải tiêu hủy với trọng lượng 340,32 tấn thịt lợn hơi của 1.358 hộ chăn nuôi ở 175 thôn, làng của 62 xã, phường, thị trấn.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, giá thịt lợn trên thị trường tăng cao nên phần lớn người chăn nuôi đều muốn tái đàn để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, công tác triển khai tái đàn trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, tiến độ diễn ra rất chậm. Hoạt động tái đàn chủ yếu diễn ra tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn như các hộ chăn nuôi liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP tại huyện Kon Rẫy, Ngọc Hồi, thành phố Kon Tum với tổng số lợn tái đàn trên 20.000 con.
Ông Trần Văn Chương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Phần lớn các hộ chăn nuôi đang khá dè dặt trong việc tái đàn. Nguyên nhân của hiện tượng trên là do chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán, một số hộ chăn nuôi theo kiểu thời vụ nên việc tổ chức quản lý chăn nuôi cũng như phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, dịch bệnh tả lợn Châu Phi chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh, vi rút tồn tại ngoài môi trường, đường lây truyền bệnh đa dạng, khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan khiến cho người dân e ngại. Thêm vào đó, thời gian qua, do tác động của dịch tả lợn Châu Phi đã làm giảm đáng kể nguồn lợn giống bố, mẹ dẫn đến khan hiếm nguồn cung lợn giống. Ngoài ra, cùng với đà tăng giá của lợn thịt, giá lợn giống trên thị trường hiện nay cũng đang ở mức rất cao, khoảng 2,5- 3 triệu đồng/con (trọng lượng khoảng 10kg) khiến nhiều hộ chăn nuôi không đủ điều kiện đầu tư tái đàn cũng như lo sợ gặp phải rủi ro kép nếu dịch tả lợn Châu Phi quay trở lại và lợn hơi bán ra không được giá; nhiều hộ chăn nuôi cũng đã chuyển sang mô hình chăn nuôi gia cầm và thủy sản khác.
|
Hiện tại, việc thúc đẩy tái đàn lợn trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi và góp phần đáp ứng nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Vì vậy, ngành Nông nghiệp đang đề ra nhiều giải pháp để tăng số lượng đàn lợn, nhưng không nôn nóng, vội vàng mà đặt vấn đề chăn nuôi an toàn lên hàng đầu.
Theo ông Trần Văn Chương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách xuống từng địa bàn, phối hợp với các địa phương kiểm tra, hướng dẫn người dân, chủ trang trại các điều kiện chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Quan điểm của ngành Nông nghiệp là phải đặt yếu tố an toàn lên trên hết. Ngành Nông nghiệp đang tích cực vận động và hỗ trợ về mặt kiến thức, kỹ thuật để các hộ nâng cấp quy mô chuồng lên trên 1.000 con; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nhỏ và vừa theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường gắn với giết mổ, chế biến, tiêu thụ an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Việc giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn dịch bệnh cũng đang được ngành Nông nghiệp khuyến cáo để hạn chế rủi ro cho chính người dân và giảm tác động đến toàn ngành chăn nuôi. Hiện, chi phí để xây dựng một trang trại lợn đảm bảo an toàn sinh học có sức chứa khoảng 1.000 con tương đối cao nên những hộ không có đủ khả năng có thể lựa chọn việc chuyển đổi sang vật nuôi khác.
Câu chuyện tái đàn, tăng số lượng và sản lượng thịt lợn chưa bao giờ nhiều băn khoăn, vướng mắc như hiện nay. Mặc dù, giá thịt lợn trên thị trường đang “đứng về phía” người chăn nuôi, nhưng ngành Nông nghiệp vẫn khuyến cáo người dân phải rất cẩn trọng khi tái đàn, không nôn nóng khi thấy giá lợn tăng cao và luôn đặt vấn đề đảm bảo an toàn dịch bệnh lên hàng đầu.
Thiên Hương