“Tấc đất tấc vàng” ở Ya Ly
Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp trở lại xã Ya Ly (huyện Sa Thầy) và thật sự bất ngờ trước sự thay đổi ở nơi đây. Nếu như mấy năm về trước, những ngọn đồi ở Ya Ly xám xịt màu đất trống, thì nay phủ kín màu xanh của cao su, cà phê, mì, cây ăn quả...
Trao đổi về khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, ông Đào Xuân Hinh - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Ya Ly chia sẻ: Trong những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã vận động và hỗ trợ người dân đẩy mạnh sản xuất các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, cây ăn quả và thâm canh cây mì. “Tấc đất tấc vàng”, bây giờ không ai bỏ đất hoang, kể cả đất ở vùng bán ngập cũng được người dân triệt để khai thác sản xuất trong mùa nước rút.
Vào làng Tum, chúng tôi tìm đến thăm nhà A Phin. Thấy tôi mải mê ngắm nhìn vườn tược, A Phin bảo, trước đây, cuộc sống của gia đình ông khó khăn lắm, nay thì khác rồi. Theo chủ trương của Đảng ủy xã, ông mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích cao su, cà phê, mì cao sản... Trong quá trình thực hiện, gia đình ông được sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nhất là hỗ trợ cây giống, cho vay vốn mở rộng sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất.
Mình trồng được 6ha cao su, sau đó chia cho con lớn đã lập gia đình 3ha, còn lại 3ha. Hàng tháng, mình tự khai thác mủ cao su, không phải trả tiền thuê nhân công, thu được 30 triệu đồng - A Phin bộc bạch.
Ngoài cao su là nguồn thu nhập chính, A Phin còn trồng 1ha cà phê, 2ha mì và 1ha bời lời. Cà phê mới trồng 1 năm, còn bời lời đã cho khai thác 2 đợt. Với 1ha mì, trừ hết chi phí, gia đình ông thu được 25 triệu đồng/năm.
Cũng như A Phin, phần lớn các hộ dân ở làng Tum đều có cao su, hộ nhiều lên tới hàng chục héc ta. Những năm gần đây, khi cao su hết chu kỳ kinh doanh, một số hộ khai thác vườn cây lấy gỗ bán và chuyển sang trồng cây ăn quả như sầu riêng, mít Thái Lan, bơ, chanh dây... Điển hình như hộ gia đình ông Bùi Văn Quyển trồng hơn 20ha sầu riêng và mít Thái Lan.
Cũng ở làng Tum, tôi đến thăm gia đình Trần Đình Du. Vốn là công nhân Nhà máy Đường Kon Tum, trong một lần đến đây chơi và đánh bắt cá ở lòng hồ Ya Ly, thấy sông nước hữu tình, cá tôm nhiều, vợ chồng anh quyết định về đây lập nghiệp.
Lấy con cá “nuôi” cây trồng, cần mẫn làm ăn, đến nay, vợ chồng anh gây dựng được một trang trại gần 20ha trồng cao su, cà phê, mì, cây ăn quả các loại. Chỉ tính riêng 4ha cà phê, hàng năm gia đình anh thu lãi 300 triệu đồng. Tuỳ từng thời điểm khác nhau, nhưng bình quân trang trại của gia đình anh tạo việc làm cho khoảng 15-20 lao động (chủ yếu người Gia Rai) với mức 160-170 nghìn đồng/ngày công lao động.
Kinh tế trang trại phát triển, vấn đề được anh quan tâm nhất hiện nay là xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. “Mong muốn nhất hiện nay của tôi là Nhà nước tạo điều kiện cho người dân được tham quan học tập, sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP để sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng cho người người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái” - anh Du trải lòng.
|
Dưới góc nhìn của người quản lý, ông Đào Xuân Hinh cho biết, vấn đề anh Du đặt ra cũng là vấn đề Đảng uỷ, UBND xã quan tâm. Tuy nhiên, để giải quyết được cần có sự hỗ trợ của huyện và các cơ quan chuyên môn cấp trên.
Tính đến cuối 2018, toàn xã có 547,3ha cao su, 121,8ha cà phê, 248ha bời lời, 49,5ha cây ăn quả, 30,3ha điều, 9,3ha hồ tiêu, trên 600ha mì, 86,65ha lúa... Từ một vùng chuyên canh cây nông nghiệp, đến nay, cây công nghiệp đang chiếm ưu thế, nhất là cao su, với hơn 90% số gia đình trồng. Từ đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, đời sống người dân được nâng lên nhanh chóng. So với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo năm 2018 còn 39%, giảm 39% - ông Đào Xuân Hinh thông tin.
Khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, Đảng uỷ, UBND xã Ya Ly tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân thâm canh nâng cao năng suất các cây trồng chiến lược, chủ lực như cao su, cà phê và cây ăn quả. Trong sản xuất, xã hướng người dân sản xuất nông nghiệp an toàn, xây dựng mô hình hợp tác, thương hiệu sản phẩm và sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị... để góp phần bảo đảm đầu ra sản phẩm ổn định, nâng cao thu nhập người dân và bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương.
Văn Nhiên