Sức sống mới ở Hà Mòn
Sau gần 5 năm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo thôn làng, đời sống của người dân xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) có nhiều đổi thay rõ rệt. Giờ đây, Hà Mòn đang tích cực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố các tiêu chí, nỗ lực duy trì, giữ chuẩn nông thôn mới.
Chúng tôi về Hà Mòn vào một ngày đầu tháng 8. Đang giữa mùa mưa, bầu trời đầy mây xám nhưng không làm mờ đi màu xanh ngan ngát của những vườn cà phê, cao su dọc đường đi. Đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp; kênh mương tưới tiêu được kiên cố hóa. Bộ mặt nông thôn của xã có những thay đổi tích cực nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Niềm phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của cán bộ và nhân dân trong xã, những người chúng tôi được gặp…
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hà Mòn, trong 6 tháng đầu năm nay, xã tiếp tục thực hiện hoàn thành bê tông hóa 5 đoạn đường, có tổng chiều dài 982m với số tiền 461 triệu đồng; vận động nhân dân giải phóng mặt bằng làm đường bê tông nội đồng tại thôn Quyết Thắng; làm cầu máng lấy nước tưới từ hồ C1, có chiều dài 60m, với tổng số tiền 12,5 triệu đồng.
Nhằm phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Hà Mòn tiếp tục huy động nguồn lực trong nhân dân để đầu tư, nâng cấp và duy tu, bảo dưỡng để các tuyến đường hiện có luôn đảm bảo và không bị xuống cấp trong quá trình khai thác; khắc phục tình trạng đọng nước trên đường giao thông tại thôn 3, thôn 4, thôn Bình Minh. Ngoài ra, UBND xã phối hợp với Điện lực Đăk Hà xây dựng mới một trạm biến áp và đường dây hạ thế dài 700m tại thôn 3, với số tiền 800 triệu đồng để phục vụ tưới cà phê...
Ông Nguyễn Thái Lâm - Chủ tịch UBND xã Hà Mòn cho biết: Xã Hà Mòn chính thức đạt được 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2013, là xã về đích nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Kon Tum. Để giữ chuẩn nông thôn mới, nhất là duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí như: giáo dục, y tế, thu nhập, môi trường, an ninh trật tự…; 5 năm qua, chính quyền và người dân xã Hà Mòn triển khai nhiều chương trình, giải pháp cụ thể gắn với điều kiện thực tế của địa phương, mang lại hiệu quả tích cực.
Hà Mòn là xã thuần nông, lấy cây cà phê làm chủ lực, lúa nước và chăn nuôi chỉ là nguồn thu phụ. Hiện xã có 1.210 hộ, thì có tới hơn 2.000ha cà phê, cùng hàng trăm héc ta cao su, cây công nghiệp khác. Với lợi thế phát triển các loại cây trồng có giá trị hàng hóa như cà phê, cao su, cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm, chính quyền địa phương tích cực vận động, khuyến khích bà con đầu tư tái canh cây cà phê, sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác; trồng xen cây ăn quả vào các lô, rẫy cà phê; nuôi gà vườn. Sản phẩm gà vườn được xã xây dựng thành sản phẩm đặc trưng.
Việc tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp, phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương đang mang lại nhiều nguồn thu nhập cho người dân. Việc củng cố tiêu chí thu nhập luôn là vấn đề hàng đầu mà chính quyền xã Hà Mòn quan tâm thực hiện. Ông Nguyễn Thái Lâm cho chúng tôi biết về những giải pháp hữu hiệu để duy trì và giữ chuẩn xã nông thôn mới ở Hà Mòn với quyết tâm làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hà Mòn ngày càng được nâng cao.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, từ 19/19 tiêu chí đạt chuẩn năm 2013, xã Hà Mòn tiếp tục giữ chuẩn và nâng lên nhiều tiêu chí như đường giao thông nông thôn, đường ra khu sản xuất được thảm nhựa hay bê tông hóa 100%; thu nhập đầu người từ 38 triệu đồng/năm được nâng lên 42 triệu đồng/năm; số người tham gia bảo hiểm y tế từ 65% được nâng lên 70%; số lao động được dạy nghề từ 45% được nâng lên 50%...
Theo ông Nguyễn Thái Lâm, trước đây không còn hộ nghèo, nhưng tính theo chuẩn nghèo đa chiều thì còn 23 hộ, chiếm tỷ lệ 1,9%. Vì vậy, chính quyền xã Hà Mòn đang vận động cán bộ, công chức, người lao động cơ quan, các đơn vị sự nghiệp xã thực hiện tiết kiệm mỗi ngày 1.000 đồng để giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế. Tổng số tiền đến nay được 19.200.000 đồng, UBND xã đã xét cho 1 hộ vay với số tiền là 10.000.000 đồng. Xã phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban giảm nghèo xã giúp đỡ 10 hộ nghèo để phát triển kinh tế, thoát nghèo một cách bền vững. Đồng thời, tiếp tục duy trì, phát triển các tổ hợp tác, nhóm hộ sản xuất giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; hình thành HTX phát triển các loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2018 lên 46 triệu đồng/năm.
Cựu chiến binh Nguyễn Đắc Khuyến ở thôn 4 xã Hà Mòn phấn khởi cho biết: Công sức người dân bỏ xuống để có những thành quả như hôm nay thật đáng tự hào. Bây giờ Hà Mòn có đến cả chục bài hát ca ngợi mảnh đất, con người nơi đây. Các phong trào văn hóa, thể thao trở thành phong trào phổ biến khắp các thôn làng. Chính quyền địa phương duy trì hiệu quả mô hình “tiếng kẻng an ninh” trên địa bàn 9/9 thôn, giữ vững hoạt động của 32 tổ an ninh, tổ tự quản để bảo đảm an ninh trật tự thôn xóm- an toàn giao thông. Bà con nhân dân trong xóm làng sống đoàn kết, thân tình…
Rời Hà Mòn trong không khí thi đua lao động, sản xuất vẫn rộn ràng tôi cảm nhận được một sức sống mới đang trào dâng những mạch nguồn chính tại nơi đây - địa phương đi đầu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Một mạch sống mới yên bình, hiền hòa nhưng cũng thật mạnh mẽ như chính dòng nước từ đập Mùa Xuân mang về, như chắp thêm sức để Hà Mòn vươn lên. Có thể nói thành công hôm nay của Hà Mòn đến từ việc khơi dậy sức mạnh, sự đồng lòng của toàn dân trong việc thực hiện các chính sách phát triển nông thôn mới trên địa bàn.
Dương Lê