Sử dụng hiệu quả các quỹ tài chính nhà nước
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 17 quỹ tài chính nhà nước (gọi tắt là QTC) được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập với quy mô, tính chất, phạm vi hoạt động khác nhau. Đây cũng là một kênh tài chính, tín dụng hỗ trợ thêm nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, một số QTC đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp huy động nhiều nguồn đóng góp tài chính, vật chất của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội từ thiện trong và ngoài tỉnh để bổ sung nguồn lực cho Quỹ.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, lũy kế nguồn tài chính của các QTC đến ngày 31/12/2020 là 688,487 tỷ đồng (cấp tỉnh quản lý 668,546 tỷ đồng, cấp huyện quản lý 19,941 tỷ đồng). Tổng nguồn thu của 17 QTC năm 2021 là 450,421 tỷ đồng (cấp tỉnh 433,758 tỷ đồng, cấp huyện 16,663 tỷ đồng). Tính đến cuối năm 2021, các QTC đã sử dụng 825,351 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh 800,345 tỷ đồng (bao gồm nguồn Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh từ năm trước chuyển sang 205,524 tỷ đồng), cấp huyện 25,006 tỷ đồng; nguồn tài chính còn lại đến ngày 31/12/2021 là 313,557 tỷ đồng. Việc thực hiện kế hoạch tài chính năm 2021 của các QTC trên địa bàn tỉnh chủ yếu chi cho vay, ứng vốn, chi hoạt động bộ máy Quỹ và chi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, tài trợ… theo quy định hoạt động của Quỹ và nhiệm vụ được cấp thẩm quyền giao.
Thực tế cho thấy, một số QTC hoạt động có hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Cụ thể như Quỹ Bảo trợ trẻ em (BTTE) trong năm 2021 đã vận động cho Quỹ được 20 triệu đồng; phối hợp với Công ty TNHH BHNT AIA Việt Nam trao tặng 100 chiếc xe đạp, 5 suất hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá hiện vật là 285 triệu đồng; tiếp nhận 200 suất học bổng từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam với tổng trị giá 200 triệu đồng; Chương trình tim bẩm sinh có 2.914 đối tượng trẻ em tham gia khám, tư vấn miễn phí, trong đó phát hiện bệnh và chỉ định phẫu thuật 34 trẻ em, kết nối các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí để phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; tiếp nhận chương trình Quỹ sữa vươn cao năm 2021 từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty Vinamilk Việt Nam phân bổ cho 728 trẻ em ở các cơ sở trợ giúp xã hội trong và ngoài công lập với tổng số 65.520 hộp sữa trị giá 417 triệu đồng; chương trình khám sàng lọc dị tật vùng hàm mặt có 9 đối tượng đăng ký khám và phẫu thuật, trong đó có 6 đối tượng được khám sàng lọc và có 4 đối tượng được phẫu thuật, kinh phí do Tổ chức Operation Smile Việt Nam tài trợ.
|
Hoặc Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được sử dụng để thăm viếng các đối tượng có công với cách mạng từ trần là thương binh hạng nặng; góp thêm kinh phí cùng với nguồn ngân sách tỉnh nâng mức tặng quà từ 500.000 đồng/suất lên 1.200.000 đồng/suất cho những người có công tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021). Một số QTC khác như Quỹ khám chữa bệnh người nghèo, Quỹ cứu trợ, Quỹ vì người khuyết tật và trẻ em mồ côi… đã chủ động huy động thêm nguồn lực đóng góp của cộng đồng để thực hiện một số mục tiêu hỗ trợ cho người nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn.
|
Dự kiến nguồn tài chính phát sinh trong năm 2022 của các QTC là 598,092 tỷ đồng (cấp tỉnh 584,793 tỷ đồng, cấp huyện 13,299 tỷ đồng) - trong đó, nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 53,649 tỷ đồng; thu từ trả nợ vay, hoàn ứng 203,883 tỷ đồng; thu hồi từ cho vay, lãi tiền gửi, thu dịch vụ, sự nghiệp 325,418 tỷ đồng; thu tài trợ, viện trợ 15,142 tỷ đồng. Dự kiến nguồn tài chính các Quỹ được sử dụng năm 2022 là 633,238 tỷ đồng - trong đó, bổ sung vốn điều lệ 14 tỷ đồng; chi cho vay, ứng vốn 267,100 tỷ đồng; chi hoạt động bộ máy quản lý Quỹ 31,126 tỷ đồng; chi thực hiện các nhiệm vụ tài trợ, hỗ trợ theo mục tiêu, nhiệm vụ theo quy định, điều lệ hoạt động của Quỹ là 321,012 tỷ đồng.
Nhìn chung, các QTC trên địa bàn tỉnh hoạt động chủ yếu dựa vào vốn điều lệ, vốn ngân sách hỗ trợ. Do nguồn lực huy động từ bên ngoài hàng năm thấp, dẫn đến hoạt động của một số Quỹ chưa đạt hiệu quả cao so với mục đích, yêu cầu đề ra, chưa phát huy được tầm quan trọng của Quỹ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách an sinh xã hội. Một số Quỹ có nguồn tài chính lớn nhưng giải ngân trong năm 2021 đạt thấp, còn tồn quỹ lớn như Quỹ bảo vệ và phát triển rừng 85,1 tỷ đồng, Quỹ đầu tư phát triển 183,194 tỷ đồng, Quỹ hỗ trợ nông dân 10,39 tỷ đồng…
Để các QTC hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trong thời gian tới, UBND tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các Quỹ, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm (nếu có); kiện toàn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động; đổi mới cơ chế quản lý và điều hành Quỹ đảm bảo minh bạch, hiệu quả.
Thảo Nguyên