Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị Quyết 01-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra
Tại Hội nghị lần thứ 16 (ngày 16/7), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XV) đánh giá, sau 3 năm nỗ lực, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, có tính đến năm 2025”. Tuy nhiên vẫn còn có những mặt hạn chế cần tập trung khắc phục để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới...
Điều dễ nhận thấy là, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát từ tỉnh đến cơ sở về triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo đó, đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình; định hướng tiến hành một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sản xuất, huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng nông thôn...
Các sở, ngành, địa phương đã tham mưu Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh triển khai cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới ở cơ sở; phối hợp thường xuyên với mặt trận và các tổ chức thành viên huy động sự đóng góp tích cực từ các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện, góp phần mang lại sự thay đổi to lớn ở khu vực nông thôn.
Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt; hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, nên nhận thức của bà con có sự thay đổi cơ bản, hiểu rõ về ý nghĩa của chương trình và vai trò trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới, từ đó tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng nông thôn mới...
Đây chính là nền tảng, là động lực để các địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xác lập quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, đến nay, đã có 18 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (theo Bộ tiêu chí nông thôn mới), đạt tỷ lệ 72% so với Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra; tính bình quân toàn tỉnh đạt 11,62 tiêu chí/xã, tăng 2,92 tiêu chí so với năm 2015; có 17 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 41 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 10 xã so với năm 2015).
|
Tuy nhiên, tại Hội nghị lần thứ 16, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV), nhiều ý kiến cho rằng, kết quả xây dựng nông thôn mới vẫn có hạn chế, đó là tiến độ thực hiện mục tiêu đề ra còn chậm so với Nghị quyết 01-NQ/TU ban hành, cụ thể, theo Nghị quyết, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng đến nay chỉ đạt 72% so với mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh về xây dựng nông thôn mới và sự phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo có lúc chưa được thường xuyên, đầy đủ. Các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế về điều kiện thuận lợi tại cơ sở; hình thức liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ giữa doanh nghiệp với người dân chưa được phổ biến rộng rãi; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế. Ở từng địa phương, xây dựng nông thôn mới còn thiếu nguồn vốn để đầu tư, nên khó hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng, xử lý nước thải và chất thải rắn trên địa bàn...
Trên tinh thần đánh giá nghiêm túc và tham gia ý kiến thẳng thắn về những kết quả đạt được, hạn chế và tồn tại trong thời gian qua, Hội nghị nhất trí tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy đã đề ra, đó là đến năm 2020 toàn tỉnh có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, và đến năm 2025 toàn tỉnh có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo đó, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cần tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo; ban thường vụ huyện ủy, thành ủy cần có sự đánh giá cụ thể kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới của địa phương, để từ đó xây dựng giải pháp, biện pháp tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ hàng năm và cả giai đoạn đối với lĩnh vực được giao.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, giải thích chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về xây dựng nông thôn mới đến nhân dân, đặc biệt chú ý giới thiệu các mô hình hay, các gương điển hình làm kinh tế giỏi, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới; tạo sự đồng thuận và ủng hộ nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp...; tổ chức học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác, qua đó nghiên cứu, vận dụng những cách làm hay, hiệu quả vào xây dựng nông thôn mới ở địa bàn mình.
Mặt khác, trong xây dựng nông thôn mới cần chú ý gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19/8/2016 của Tỉnh ủy về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới, trong đó tập trung rà soát, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới tại các xã này đảm bảo đúng thực chất; nghiên cứu xây dựng tiêu chí để đánh giá, phân loại, xác định một số xã gần thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn để tập trung tham mưu nguồn lực đầu tư, tránh đầu tư hỗ trợ dàn trải như hiện nay...
Mai Trâm