Sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp theo hướng bền vững
Toàn tỉnh có hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp nên việc mở rộng đất sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 98.335,6 ha sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp.
Tại tỉnh Kon Tum, cơ cấu kinh tế lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24-25%, sản xuất nông nghiệp góp phần lớn vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Năm 2019, tổng diện tích gieo trồng các loại cây chính toàn tỉnh đạt 171.584 ha. Các sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, diện tích cao su 74.169 ha; diện tích cà phê 21.619 ha; sâm Ngọc Linh khoảng 600 ha.
Toàn tỉnh có hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp nên việc mở rộng đất sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thực tế có nhiều diện tích đất lâm nghiệp đã và đang được người dân sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng mì, cao su, lúa rẫy, bắp và một số loài cây khác như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả. Diện tích này đóng góp một phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 98.335,6 ha sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp. Trong đó, trồng cao su 31.730,2 ha; cà phê 4.794,3 ha; hồ tiêu 185,3 ha; cây ăn quả 540,1 ha; cây trồng hàng năm khác (mì, lúa, bắp) 61.085,7 ha.
|
Quá trình hình thành việc sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp được xác định: Thứ nhất, trước đây, việc quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy theo Chỉ thị số 36/2000/CT-BNN-KL ngày 06/4/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là quy hoạch trên đất lâm nghiệp, do đó quá trình canh tác người dân đầu tiên trồng mì sau đó chuyển dần sang trồng các loại cây nông nghiệp; Thứ hai, thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 14/8/2006 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên cho phép chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp trồng cao su mà không phải chuyển mục đích sử dụng đất; Thứ ba, những năm trước đây, giá một số mặt hàng nông sản như cà phê, cao su tăng cao, người dân tự ý vào rừng phá rừng lấy đất trồng các loài cây nông nghiệp; Thứ tư, đất sản xuất nông nghiệp được người dân sản xuất lâu đời nằm xen kẽ trên diện tích đất được đưa vào quy hoạch lâm nghiệp, quá trình lập quy hoạch không thể bóc tách hết được.
Quan điểm sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp theo hướng bền vững trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, phát triển nông nghiệp phải đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế, nhưng không làm tổn hại đến rừng tự nhiên hiện có, đặc biệt là rừng tự nhiên quy hoạch phòng hộ, đặc dụng. Mục tiêu đặt ra là ổn định diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, chuyển 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp sang sản xuất lâm nghiệp, ổn định đời sống dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thông qua các hoạt động hỗ trợ sinh kế gắn với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, để giải quyết vấn đề đó, cần phải có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ như tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao và bền vững; phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu, theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; chú trọng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, các loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất là phát huy vai trò các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng và chất lượng rừng; triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn tình trạng cháy rừng và chặt phá rừng; đẩy mạnh giao đất, giao rừng, nâng cao thu nhập và đời sống người làm lâm nghiệp; khoanh nuôi phục hồi rừng trên đất đang canh tác rẫy, trồng rừng bổ sung và phát triển dược liệu dưới tán rừng.
Nhà nước cũng cần có chính sách và nguồn kinh phí để hỗ trợ cho người dân trồng rừng sản xuất thay thế phương thức canh tác rẫy, nguồn thu từ hoạt động trồng rừng của người dân phải lớn hơn hoặc bằng nguồn thu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Quang Mạnh