Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và vấn đề đặt ra
Trước yêu cầu đặt ra trong sản xuất nông nghiệp và ý kiến phản ánh của cử tri xung quanh việc sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, phóng viên Báo Kon Tum đã trao đổi với ông Trần Văn Chương- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xung quanh vấn đề nêu trên.
PV: Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là vấn đề quan trọng đặt ra trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn. Theo ông, hiện nay, tình hình triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ở tỉnh ta như thế nào?
Ông Trần Văn Chương: Hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là việc thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Việc liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp hình thành những cánh đồng lớn, tăng tỷ lệ cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, ổn định được đầu ra sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạn chế được những rủi ro do biến động giá cả của hàng nông sản, hạn chế được tình trạng “được mùa, mất giá” như hiện nay.
Đối với tỉnh ta, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-UBND, ngày 12/01/2018 về kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; phê duyệt Danh mục dự án phát triển liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020 thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 1088/QĐ-UBND ngày 12/10/2018; Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030; kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2025.
PV: Vậy kết quả đạt được bước đầu như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Chương: Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình liên doanh, liên kết, hình thành các chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là đối với các sản xuất nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Cụ thể, đối với sản phẩm cao su, mía đường, Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum liên kết với các hộ dân trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào (giống, phân bón), hỗ trợ đầu tư, kỹ thuật cho người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đối với sản phẩm cà phê, hình thành liên kết giữa các nhà máy chế biến cà phê như Vinacafe Đăk Hà, Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng, Hợp tác xã Sáu Nhung, Hợp tác xã Hải Tình, Cà phê Chậm, Hợp tác xã Công bằng Pô Kô Farm với các hộ dân sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, chế biến sản phẩm chất lượng xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Đối với sản phẩm dược liệu, hình thành một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hồng đẳng sâm, đương quy giữa các hợp tác xã với hộ dân trong vùng trọng điểm phát triển dược liệu của tỉnh như: Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồng đẳng sâm, đương quy của Hợp tác xã Tuyết Sơn (Kon Plông) với các hộ dân tại xã Măng Cành (Kon Plông); Dự án liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sâm dây tại xã Mường Hoong, Ngọc Linh (Đăk Glei); Dự án liên kết kết gắn với tiêu thụ sản phẩm hồng đẳng sâm của Hợp tác xã Dược liệu Ngọc Lây, Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông với các hộ dân trên địa bàn xã Ngọc Lây (Tu Mơ Rông)...
Đối với sản phẩm rau, hoa, quả, Công ty TNHH Đông Phương, Hợp tác xã Rau hoa Măng Đen (Kon Plông) liên kết với các hộ dân trồng, tiêu thụ rau tại hệ thống Siêu thị Big C miền Trung, Siêu thị Co.opmart; Tổ hợp tác sản xuất rau VietGap 01-5 (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) với các cửa hàng kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố Kon Tum; Hợp tác xã Ánh Dương với hộ dân trên địa bàn xã Pờ Ê, Măng Cành (Kon Plông) sản xuất chuối; Công ty Daveco liên kết với một số hộ dân thị trấn Đăk Hà (Đăk Hà) sản xuất và tiêu thụ một số loại rau, đậu tương...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ở tỉnh còn một số khó khăn, tồn tại như sau: Việc liên kết chưa chặt chẽ, còn lúng túng và đa số các chuỗi liên kết mới dừng lại ở khâu nhà nước hỗ trợ giống, vật tư, người dân tổ chức sản xuất và doanh nghiệp thu mua sản phẩm; các chuỗi liên kết sản xuất có quy mô nhỏ, phân tán; một số hợp tác xã, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước...
|
PV: Dưới góc độ quản lý nhà nước và là đơn vị tham mưu giúp tỉnh lĩnh vực nông nghiệp, theo ông, ngành Nông nghiệp tỉnh cần làm gì để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị?
Ông Trần Văn Chương: Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuỗi giá trị trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, xác định phát triển kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác) là cầu nối thực hiện liên kết đầu vào và đầu ra với doanh nghiệp nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp để giúp người nông dân hạn chế rủi ro, phát huy vai trò của kinh tế hộ trong sản xuất nông nghiệp.
Tiếp tục triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng đẩy mạnh công tác liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và các sản phẩm là đặc sản của địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý theo Đề án Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ… để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm; tiếp tục thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh; tăng cường công tác thông tin, xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng kinh tế, kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tham gia vào chuỗi liên kết...
PV: Xin cảm ơn ông!
Văn Nhiên (thực hiện)