Sâm Ngọc Linh từ phương thuốc mật truyền đến Quốc bảo
Đó là một hành trình dài đằng đẵng, không tính bằng tháng, bằng năm. Trong hành trình ấy cần có sự chung sức, nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và chính người dân sống trong vùng sâm...
1. Cách đây đúng 10 năm, tôi được nghe về một truyền thuyết!
Ấy là một chiều cuối Đông, đầu Xuân năm 2008. Tôi còn nhớ, hôm đó tiết trời thật đẹp. Xen giữa những cây mai còn trơ cành trụi lá, có những cây he hé những mầm nụ mới; và, ngoài những cánh đồng, trong cái vàng vọt, khẳng khiu của trà lúa đông - xuân đã thoáng điểm đôi nét mướt xanh.
Trong không gian và thời gian ấy, chốn thâm u của núi rừng Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) như mang trong mình nét huyền ảo, nửa hư, nửa thực.
Bếp lửa bập bùng soi vách lán và những gương mặt gầy gò, sạm đen. Củi gỗ thông cháy rừng rực, thỉnh thoảng nổ lép bép, bắn tung ra những tràng hoa lửa.
Thơm thật - Trần Hoàn hít hà. Mấy ngày nay, anh ăn ngủ tại chốt sâm để chỉ đạo việc lấy hạt, ươm sâm giống, việc làm quen thuộc của anh từ năm 1998 đến nay.
Hồi chiều, sau 4 tiếng đồng hồ leo núi, vạch rừng, chúng tôi mới lên được đến chốt sâm của Công ty CP Sâm Ngọc Linh do Trần Hoàn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Nơi đây có mấy mái lều lợp tranh nằm cô liêu giữa rừng sâu núi thẳm, quanh năm mây phủ, lạnh buốt tay chân. Gạo, mắm, muối, cá khô... được tiếp tế hàng tuần; rau hái trong rừng, nước lấy dưới suối.
Và trong không gian huyền hoặc, nửa hư nửa thực ấy, tôi được nghe Trần Hoàn kể truyền thuyết về phương thuốc mật truyền của người Xơ Đăng - những chủ nhân của dãy Ngọc Linh hùng vĩ.
Truyền thuyết kể rằng, đã bao đời nay, người Xơ Đăng sống dưới chân núi Ngọc Linh đã “mật truyền” một phương “thuốc giấu” được lấy về từ núi hiểm, rừng sâu. Trong làng, khi có người già, trẻ em đau ốm, phụ nữ sinh con, có người bị rắn rết, thú dữ cắn... đều được các già làng chữa trị bằng “thuốc giấu”.
Chẳng ai biết cây “thuốc giấu” có từ khi nào, và đến từ đâu, chỉ biết cây “thuốc giấu” là “thần dược” bảo vệ dân làng, chống lại thú dữ, bệnh tật của cuộc sống nơi rừng thiêng, nước độc.
Chỉ có các già làng mới biết được phương thuốc này, và cũng chỉ truyền lại cho người được chọn trước khi về với Yàng. Trải qua bao đời, cây “thuốc giấu” luôn được người Xơ Đăng bảo vệ như một báu vật mà thần núi, thần rừng đã ban tặng cho họ...
Đến những năm kháng chiến chống Pháp, bí mật về cây “thuốc giấu” bắt đầu được hé lộ khi các già làng chỉ cho những cán bộ cách mạng nằm vùng tại đây.
Theo lời kể của các ông Phan Quyết (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum), Trần Kiên (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng) - là những cán bộ đã hoạt động tại vùng núi Ngọc Linh - vào những năm 1952-1953, già làng đã chỉ cho họ một số cây thuốc quý, trong đó có cây “thuốc giấu”, để sử dụng khi đau ốm và rất hiệu quả...
Bác sĩ Sô Lây Tăng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, quê ở làng Nú Vai, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei cũng kể lại: dân làng ông đã dùng cây “thuốc giấu” từ lâu đời để chữa cho người đau ốm nặng, bị rắn cắn, các vết thương và các bệnh thông thường như đau bụng, cầm máu... Nhưng không một ai biết rằng đó là cây sâm quý hiếm.
|
2. Mới đó mà đã 10 năm!
Tôi rạo rực, bồi hồi đi qua những luống sâm. Một cảm giác thật khó tả khi lá sâm non cọ vào chân. Nghe thiên hạ bàn tán, 1 cây sâm giống được bán với giá 300.000 đồng. Hiện nay, vườn sâm của Trần Hoàn có thể cung cấp được 1 triệu cây sâm giống/năm, đủ trồng khoảng 20ha. Chỉ tính tiền giống cũng đã hàng trăm tỷ đồng rồi, chưa kể...
Mà thôi, làm sao có thể đo đếm hết công sức, tâm huyết mà anh đã bỏ ra cho “vương quốc” sâm của mình. Có lẽ ngoài anh ra, chẳng có ai đủ liều và đủ sức làm việc này.
Đường lên chốt vẫn xa vời vợi, dốc thăm thẳm nhưng đã được trải bê tông phẳng phiu, xe khỏe phóng vèo vèo. Cơ ngơi của chốt sâm thay đổi quá, với nhà xây, điện lưới, khuôn viên rộng rãi của chốt trở nên “đỏm dáng” bởi một hồ nước trong veo, tung tăng cá lội và đình hóng gió.
Sau nhiều năm nỗ lực, từ những mầm sâm giống đầu tiên, đến nay, Công ty CP Sâm Ngọc Linh do Trần Hoàn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã gây dựng được gần 500ha sâm Ngọc Linh.
Bây giờ thì sâm Ngọc Linh nổi tiếng lắm rồi, không chỉ trong nước, mà tiếng tăm “thần dược” còn lan đến ở những vùng đất xa xôi trên địa cầu. Hay đúng hơn, dù nổi tiếng từ lâu, nhưng đến nay mới được xác lập vị trí, được biết đến với danh xưng mới, đầy trân trọng và tự hào “Quốc bảo”.
Danh xưng ấy do chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng nhân dịp vào Kon Tum dự Hội nghị Đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác (tháng 9/2018).
Sở dĩ phải nói rõ như vậy, vì từ cách đây mấy chục năm, khi bí mật về cây “thuốc giấu” được tiết lộ, sâm Ngọc Linh đã nổi tiếng. Người ta đua nhau săn lùng nó, chẳng sá rừng thiêng, nước độc; bất kể là già hay non; củ hay rễ... Giá sâm ngoài thị trường được đẩy lên cao ngất ngưởng, vào thời điểm hiện tại, giá 1kg sâm lên tới hàng trăm triệu đồng.
Có lần, từ trời Âu tuyết phủ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Hào (Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), người thầy rèn cặp tôi từ những ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) gửi email nhờ tôi mua giùm vài lạng sâm quý để... làm quà biếu. “Em ráng tìm giúp, loại tự nhiên ấy nhé. Mấy anh bạn người Nga của thầy nghe nói sâm quý, cứ nhờ mãi”- thầy ái ngại.
Nhưng bây giờ kiếm sâm Ngọc Linh tự nhiên đâu có dễ. Không nói là không có, nhưng hiếm vô cùng. Theo tiết lộ của giới buôn sâm, cả làng “săn sâm” Long Tối (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei) không kiếm được củ sâm tự nhiên nào “ra hồn” trong năm nay. Dân rành sâm bằng lòng với hũ sâm trồng ngâm rượu, nâng niu như đồ “gia bảo”, khách quý đến lấy ra mời vài ly là quý hóa lắm.
Sau một thời gian dài bị săn lùng, đào bới, sâm thiên nhiên trên núi Ngọc Linh gần như tuyệt diệt... May mắn thay, những năm gần đây, với nỗ lực bền bỉ của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, sâm Ngọc Linh đã và đang dần thoát khỏi “cửa tử”.
|
3. Hồ sơ thể hiện rất rõ, ngay từ năm 1995, tỉnh Kon Tum đã tổ chức đánh giá về sâm Ngọc Linh và năm 1997 bắt đầu thực hiện công tác bảo tồn sâm Ngọc Linh Kon Tum tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei thuộc dãy núi Ngọc Linh. Năm 2004, tỉnh đã triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng”.
Tiếp đó là hàng loạt những chính sách nhằm cụ thể hóa nỗ lực “cứu” sâm Ngọc Linh. Năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với tổng diện tích quy hoạch 31.742 ha. Trong đó, vùng lõi trồng sâm Ngọc Linh có độ cao từ 1.500m trở lên là 16.988 ha; vùng đệm bảo vệ vùng lõi, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển sâm là 14.754ha (độ cao từ 1.200m - 1.500m).
Đặc biệt, tỉnh đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó có Phương án cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp phát triển cây sâm Ngọc Linh (với diện tích khoảng 10.000ha); ban hành chính sách ưu đãi đặc thù về giống, đất đai...
Về phía Trung ương, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 787/QĐ-TTg về việc phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, trong đó có sản phẩm sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh); phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam” đến năm 2030, tổng vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng, kèm theo những cơ chế, chính sách đặc thù.
Gần đây, tháng 10/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) đã đổi Giấy chứng nhận công nhận có vùng chỉ dẫn địa lý đặc trưng đối với Sâm củ Ngọc Linh, mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý lên 9 xã, gồm Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện Đăk Glei); Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông)...
Nhưng theo tôi, thành công hơn cả đến từ việc, những chính sách ấy đã làm nên sự thay đổi nhận thức và cách ứng xử với sâm quý của bà con dân tộc thiểu số vùng núi Ngọc Linh.
Trong một chuyến công tác, tôi quen A Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, một “tỷ phú sâm” đúng nghĩa và được anh mời về nhà.
Chúng tôi cùng ngồi trên sàn phòng khách, trong một ngôi nhà hiện đại. Trên tường có treo nhiều bức hình lưu giữ những kỷ niệm của chủ nhà, nhưng trong đó, có một bức hình cũ kỹ mà A Sỹ quý nhất. Trong hình, anh đang nâng niu một mầm sâm Ngọc Linh.
Cuộc sống của gia đình tôi, của người dân xã tôi khá lên từ việc trồng sâm Ngọc Linh - A Sỹ không giấu diếm. Trước đây, người dân các làng như Pu Tá, Ngọc La... chỉ biết vào rừng săn lùng sâm tự nhiên rồi bán cho thương lái. Khi nguồn sâm tự nhiên cạn kiệt, cái đói, cái nghèo trở lại. Nhưng bây giờ thì khác rồi, tìm được sâm, thay vì bán thì bà con trồng lại vào vườn; rồi mua sâm giống về trồng, hoặc liên kết với Công ty CP Sâm Ngọc Linh hay Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô trồng sâm.
“Cả xã đã có hơn 300 hộ gia đình liên kết trồng sâm với 2 doanh nghiệp này, ngoài ra, khoảng 250 gia đình có diện tích sâm riêng, nhà ít thì vài trăm gốc, nhiều thì vài sào. Xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy giặt..., tất cả đều từ sâm mà ra. Nhiều hộ dân đã “giàu bền vững”” - A Sỹ phấn khởi.
4. Với chính quyền và người dân Kon Tum, rõ ràng việc có “đặc sản” được vinh danh “Quốc bảo” là một điều tự hào, nhưng làm thế nào để xứng danh “Quốc bảo”, làm thế nào để sản phẩm sâm Ngọc Linh phục vụ tốt nhu cầu “Quốc kế dân sinh” như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lại không hề đơn giản.
Tất cả đều còn ở phía trước. Đó là một hành trình dài đằng đẵng, không tính bằng tháng, bằng năm. Trong hành trình ấy cần có sự chung sức của chính quyền, doanh nghiệp và chính người dân sống trong vùng sâm - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa đã nói như vậy tại Hội nghị Đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu khác.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa, những chính sách của Trung ương là động lực, là nền tảng, nhưng để phát triển thành công sản phẩm sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia, sớm thương mại hoá sản phẩm và đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum ra thị trường trong nước và quốc tế, chỉ chính sách thôi thì chưa đủ, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể.
Các chuyên gia của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều cho rằng, muốn phát triển sâm Ngọc Linh thành công, cần gắn với sự tham gia của đồng bào các dân tộc. Vì chỉ có những người sinh ra và lớn lên cùng rừng, gắn bó với rừng mới là những người bảo vệ, duy trì và phát triển cây sâm Ngọc Linh hiệu quả nhất.
Tỉnh Kon Tum cần chủ động triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển nuôi trồng, chế biến sâm Ngọc Linh phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, trong đó chú trọng bảo vệ nguồn gen và thương hiệu sâm Ngọc Linh. Chỉ nuôi trồng sâm Ngọc Linh tại các vùng đã có chỉ dẫn địa lý - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nên định hướng phát triển sâm Ngọc Linh theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, hướng tới đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh ra thế giới. Chủ động tổ chức các mô hình “chuỗi liên kết” trong phát triển sâm Ngọc Linh với gắn kết chặt chẽ giữa “6 nhà” (Nhà nông - Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà phân phối).
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Ngọc Tuấn, hiện tỉnh Kon Tum đang tiếp tục tăng cường áp dụng các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh tại địa phương. Trước tiên tập trung ưu tiên hỗ trợ tối đa một số doanh nghiệp đã và đang phát triển sâm Ngọc Linh tại tỉnh; có cơ chế ưu đãi về vốn, quỹ đất; đổi mới trong giải quyết các thủ tục đầu tư; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân; triển khai xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu giống, trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối...
“Chúng ta quyết tâm thực hiện được mục tiêu đưa sâm Ngọc Linh trở thành một thương hiệu mạnh, nằm trong danh sách những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Kon Tum nói riêng, Việt Nam nói chung” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Ngọc Tuấn cam kết.
Và, với những gì đã và đang có, tôi tin vào điều đó.
Thành Hưng