Sa Thầy: Lợi ích từ mô hình tưới nước tiết kiệm
Đi dọc Tỉnh lộ 675 từ thị trấn Sa Thầy đến xã Sa Nhơn, giữa cái nắng chói chang và nóng hầm hập, thi thoảng chúng tôi bắt gặp những vườn cà phê, cây ăn quả được người dân áp dụng hình thức tưới tiết kiệm.
Vừa chỉ tay về phía những vườn cây, bà Tống Thị Nghĩa - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy vừa giới thiệu: Đây là mô hình tưới nước tiết kiệm trong sản xuất được nhiều hộ dân áp dụng để chăm sóc cà phê, cây ăn quả và cho hiệu quả cao. Công nghệ mới giúp bà con giảm từ 20-40% lượng nước tưới; tăng năng suất cây trồng từ 10-40%; giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập từ 20-50% so với phương thức tưới tràn truyền thống. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với địa bàn thường xuyên xảy ra hạn hán như Sa Thầy.
Là một trong những người áp dụng phương pháp tưới này, ông Phạm Tấn Dũng, thôn Nhơn Nghĩa, xã Sa Nhơn chia sẻ, tháng 3/2018, gia đình ông chuyển đổi 5 sào đất trồng cao su sau khi hết chu kỳ khai thác sang trồng 500 gốc chanh dây. Do khu vực này là đồi cao nên việc lấy nước khá vất vả. Chính vì vậy, khi biết mô hình tưới nước tiết kiệm, vợ chồng ông đầu tư ngay. Đường ống nước được dẫn qua các gốc cây, mỗi gốc cây được thiết kế một van phun nước tự động. Chỉ mất vài phút điều chỉnh các van chính, nguồn nước sẽ được đưa đến từng khu vực. Nếu bảo quản tốt, hệ thống đường ống, van xả nước có thể sử dụng từ 3 đến 4 năm. Dự kiến khi hơn 2ha cà phê của gia đình bước vào giai đoạn kinh doanh, ông sẽ áp dụng hình thức này vào chăm sóc.
Tương tự như gia đình ông Dũng, năm 2018, gia đình anh Bùi Văn Hiếu, thôn Sơn An, xã Sa Sơn cũng đầu tư gần 40 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới béc phun mưa cho cây cà phê và cây sầu riêng. Trước đây để tưới 1ha cà phê, gia đình anh phải mất 2 - 3 ngày với 2 nhân công lao động. Hiện nay, với hệ thống này, anh chỉ cần bật công tắc điện, thực hiện vài thao tác điều chỉnh các van mở nước là có thể tưới cho cả vườn cây.
|
Anh Bùi Văn Hiếu chia sẻ: Mỗi ngày tưới 1 lần và tưới trong vòng 1 giờ, thì độ ngấm nước toàn vườn đạt sâu trên 30cm, giúp đưa nước và chất dinh dưỡng trực tiếp đến vùng rễ tích cực của cây. Ngoài ra, hệ thống còn có chức năng bón phân cho cây rất đồng đều và tiện lợi, không những tạo điều kiện cho cây hấp thụ phân bón triệt để, mà còn giảm chi phí bón phân, bảo vệ tốt môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Anh Hiếu tính toán, chi phí đầu tư theo phương pháp tưới nhỏ giọt Israel mà anh đang sử dụng khá cao, song bù lại phương pháp này lại giúp tiết kiệm 90% công lao động, trên 70% chi phí điện, nước và 30% lượng phân bón, đặc biệt không lo thiếu nước tưới.
Hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn các xã Sa Nhơn, Sa Sơn, Sa Nghĩa, Ya Xiêr đã áp dụng một số hình thức tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa… cho cây ăn quả, rau màu, cà phê. Theo ông Huỳnh Tấn Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Nhơn, hiện xã có khoảng 7ha chanh dây, cà phê, sầu riêng áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm. Xã đang tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình này để bà con nhân dân học hỏi, sử dụng, từ các vụ tới sẽ áp dụng để đảm bảo nguồn nước tưới trong quá trình sản xuất.
Đó cũng là chủ trương chung của huyện Sa Thầy, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 30%, đến năm 2025 có 50% diện tích cây trồng cạn chủ lực được tưới bằng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nước thay thế phương pháp tưới truyền thống. Qua đó nhằm tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón, giảm công chăm sóc, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.
L.N