Sa Thầy: Khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới
Bằng việc huy động các nguồn lực, hỗ trợ và khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân trên địa bàn huyện Sa Thầy trong những năm gần đây có nhiều đổi thay.
Về nhiều thôn làng ở các xã Sa Bình, Sa Sơn, Sa Nhơn, Sa Nghĩa, Ya Xiêr, Ya Ly… (huyện Sa Thầy), chúng tôi thấy ở đâu cũng có dấu ấn của việc thực hiện Chương trình nông thôn mới.
Thể hiện rõ nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng như đường bê tông nông thôn, kênh mương thủy lợi, điện, internet, trường học, nhà rông văn hóa… đang từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn. Trên các vườn đồi, cây cao su, cà phê, bời lời, mỳ cao sản… xanh tốt, hứa hẹn cuộc sống ấm no.
|
Ở xã Sa Bình, Ya Xiêr, chúng tôi còn được biết ngoài việc tạo điều kiện cho người dân phát triển mạnh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, chính quyền còn thực hiện có hiệu quả Dự án luân chuyển vốn nuôi bò sinh sản giảm nghèo cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn không lãi suất nuôi bò sinh sản. Nguồn vốn từ Dự án được quay vòng, đàn bò sinh sản góp phần giúp dân giảm nghèo và nâng cao đời sống.
Chương trình xây dựng nông thôn mới còn có những tác động đến việc nâng cao nhận thức người dân. Ở thôn Anh Dũng, xã Sa Nghĩa dường như ai cũng ý thức được việc xây dựng nông thôn mới. Trao đổi với tôi, ông Đỗ Văn Tới đánh giá cao chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông cho rằng, chương trình không chỉ quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất và hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, mà còn khơi dậy sức dân vươn lên xây dựng cuộc sống mới cho chính mình.
Nói về kinh tế gia đình, ông Tới bộc bạch: Được sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện của nhà nước và chính quyền địa phương thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay gia đình tôi phát triển được 3ha cao su, 0,5 sào cà phê, 2 sào lúa nước… Thu nhập của gia đình hơn 200 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa khẳng định, thông qua việc huy động các nguồn lực và khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn ở xã ngày càng hoàn thiện; các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê… phát triển mạnh. Đời sống người dân ổn định và nâng cao hơn trước.
Bà Tống Thị Nghĩa - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, huyện tập trung vào việc đào tạo nghề trồng cà phê, cạo mủ cao su, nuôi bò, trồng rau an toàn… để gúp người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thu hoạch sản phẩm. Đi đôi với việc đào tạo nghề, huyện tập trung vào hỗ trợ dân triển khai nhiều mô hình lúa có chất lượng cao như HT1, Bắc thơm 9, VT20; mỳ KM 419, HL-S11; cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; phát triển mạnh cây trồng và sản phẩm chủ lực ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sâm - Chủ tịch UBND huyện, bằng việc huy động các nguồn lực, hỗ trợ và khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, huyện Sa Thầy có 2 xã là Sa Sơn và Sa Nhơn đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại phấn đấu mỗi năm đạt từ 1-3 tiêu chí nông thôn mới và đến năm 2020 có 30% số xã đạt nông thôn mới.
Đối với các xã đạt nông thôn mới, huyện chỉ đạo các xã giữ vững và nâng cao các tiêu chí đạt được. Đối với xã chưa đạt nông thôn mới, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ và khơi dậy sức dân phát triển kinh tế, nhất là các cây trồng chiến lược có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê (ở vùng có điều kiện thuận lợi), bời lời, mỳ cao sản, mía, các cây trồng dược liệu dưới tán rừng... Trong chăn nuôi, tạo điều kiện cho dân phát triển mạnh đàn bò, heo, nuôi cá ao hồ, cá lồng và khai thác thủy sản lòng hồ.
|
Về lâm nghiệp, huyện tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; tăng cường giao đất giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng và hỗ trợ dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng để góp phần giúp dân có thêm thu nhập từ rừng. Huyện tiếp tục rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng, điều chỉnh lại cho hợp lý hơn; đồng thời đề xuất kế hoạch chuyển đổi đất lâm nghiệp sử dụng kém hiệu quả, gần khu dân cư để hình thành khu sản xuất có giá trị kinh tế cao nhưng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái chung của địa phương.
Việc tạo điều kiện và khơi dậy sức dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực làm đổi thay diện mạo và đời sống người dân địa phương.
Văn Nhiên