Quyết tâm đạt mục tiêu kép trên “mặt trận” mới
Với sự chỉ đạo quyết liệt và với quyết tâm cao nhất của Chính phủ, của tỉnh nhằm đạt mục tiêu kép, cùng với cả nước, chúng ta hy vọng rằng, sau thời gian giãn nới, nền kinh tế Việt Nam và kinh tế tỉnh ta sẽ sớm khôi phục và lấy lại đà tăng trưởng nhanh.
Cuộc chiến nào cũng để lại hậu quả nặng nề. Khôi phục kinh tế và tái thiết đất nước là nhiệm vụ cấp bách của Đảng và Nhà nước ta ở mỗi giai đoạn lịch sử trong thời “hậu chiến”. Không phải là chiến tranh bằng bom rơi, đạn nổ, nhưng hệ lụy và di chứng để lại của đại dịch Covid-19 vừa qua không kém phần khốc liệt.
Có thể nói, kinh tế của đất nước chưa bao giờ bị tác động tiêu cực mạnh mẽ như vậy bởi trận đại dịch Covid-19. Với những thiệt hại do đại dịch gây ra, hàng triệu lao động bị mất việc làm, hàng ngàn doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất kinh doanh, có nguy cơ bị giải thể hoặc phá sản… Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là phải vừa triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới, vừa đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch là hết sức cần thiết đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Theo UBND tỉnh, trận đại dịch Covid-19 vừa qua tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội tỉnh ta. Trong đó, 18.853 hộ nghèo/77.941 khẩu nghèo, 8.812 hộ cận nghèo/39.362 khẩu cận nghèo (theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019), 5.430 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và 11.920 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng dễ bị tổn thương nhất bởi dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, trong tỉnh còn có 18 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã giải thể; 79 doanh nghiệp, 3.782 hộ kinh doanh cá thể (có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1 tháng 4 năm 2020) và 7 hợp tác xã tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên hoạt động cầm chừng, đảm bảo một phần lao động, nhiều doanh nghiệp chấp nhận chấm dứt hợp đồng, cho công nhân nghỉ việc do không có việc làm.
|
Trước những tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ có những chính sách toàn diện giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Đó là các biện pháp hỗ trợ trong gói 62 ngàn tỷ đồng cho các cá nhân, hộ gia đình trong 2-3 tháng tới, giảm các loại thuế và giá điện. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách gia hạn các khoản vay với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường… theo chủ trương của Chính phủ. Bên cạnh đó, cùng với phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng…
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vào sáng ngày 5/5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải đạt được mục tiêu kép, làm sao tăng trưởng đạt được mục tiêu cần thiết và không được để tăng trưởng quá thấp... Phải sớm phục hồi phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Đây là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, của cộng đồng và nhân dân cả nước. Vì vậy, cần tập trung ưu tiên khởi động lại nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển bên cạnh việc chú ý các biện pháp phòng, chống dịch…
Với quyết tâm khôi phục kinh tế, ngay từ những ngày cao điểm cả nước chung tay phòng, chống dịch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị của tỉnh quyết liệt vào cuộc với sự chỉ đạo, điều hành và có nhiều động thái tích cực hỗ trợ người dân như cấp phát gạo miễn phí cho người nghèo, giảm thuế các doanh nghiệp, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp, các doanh nghiệp gặp khó khăn được ưu tiên vay vốn lãi suất thấp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Trong khi chờ đợi kinh phí từ Trung ương, tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động sử dụng nguồn ngân sách tỉnh tạm cấp và nguồn kinh phí nhàn rỗi của ngân sách cấp huyện để thực hiện việc hỗ trợ. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ động và nhanh chóng giải quyết cho 462 người được hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; trong đó có 42 người được hỗ trợ học nghề… UBND tỉnh đã thống nhất tạm ứng từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2020 số tiền 20 tỷ đồng cho Chi nhánh Liên hiệp hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh - Co.op Mart Kon Tum với lãi suất 0% để thực hiện dự trữ nhóm hàng hóa thiết yếu kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đồng thời, UBND tỉnh tạm cấp kinh phí đợt 1 với số tiền 18,866 tỷ đồng cho các đơn vị triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; tạm cấp khoảng 70% nhu cầu kinh phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh với số tiền 166,307 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2020 và nguồn cải cách tiền lương ngân sách tỉnh năm 2020. Bên cạnh đó, từ nguồn vận động của các tổ chức, cá nhân ủng hộ, UBND tỉnh đã phân bổ số tiền 757,6 triệu đồng cho các đơn vị, địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Không chỉ có vậy, UBND tỉnh còn chỉ đạo giảm giá tiêu thụ nước sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh (mức giảm 10% từ tháng 4 đến tháng 6/2020); tổng hợp khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để xem xét, giải quyết cho doanh nghiệp theo đúng quy định của Chính phủ; trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thực hiện giảm 70% mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng (đối với phương tiện ra, vào các cửa khẩu) trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (phí thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại, đầu tư, xây dựng) và giảm 100% mức thu lệ phí đăng ký kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp cho đến ngày được cấp có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19…
Những động thái trên đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp... và tạo ra động lực khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và với quyết tâm cao nhất của Chính phủ, của tỉnh nhằm đạt mục tiêu kép, cùng với cả nước, chúng ta hy vọng rằng, sau thời gian giãn nới, nền kinh tế Việt Nam và kinh tế tỉnh ta sẽ sớm khôi phục và lấy lại đà tăng trưởng nhanh.
Đức Nhuận