Quản lý chặt nguồn giống cây trồng
Theo kế hoạch, năm 2024, toàn tỉnh sẽ có hơn 206.000ha cây trồng các loại, tăng trên 11.400ha so với năm 2023. Để góp phần thực hiện chỉ tiêu trên, việc kiểm soát chặt chẽ nguồn giống, đảm bảo cung ứng các loại giống tốt, chất lượng là một “mắt xích” rất quan trọng.
Theo ông Nguyễn Hoài Tâm- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, giống cây trồng là một trong những yếu tố quyết định năng suất và chất lượng, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hiệu quả sản xuất.
Giống tốt giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản; tăng khả năng kháng sâu, bệnh; tăng khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi của môi trường. Bên cạnh đó, các giống mới ngắn ngày còn giúp tăng vụ và thay đổi cơ cấu cây trồng, nhờ đó nâng cao sản lượng và giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích- ông Nguyễn Hoài Tâm phân tích.
|
Đặc biệt, giống cây trồng tốt, chất lượng cao góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, phù hợp để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 cơ sở sản xuất, cung ứng giống cây trồng. Kết quả thanh, kiểm tra cho thấy, các cơ sở chấp hành tốt các quy định của pháp luật về sản xuất, cung ứng giống cây trồng, như có địa điểm sản xuất, kinh doanh; giấy phép đăng ký kinh doanh hợp pháp; có hồ sơ truy xuất nguồn gốc lô giống, nhãn mác rõ ràng.
Đây là những địa chỉ đáng tin cậy để bà con nông dân mua giống, canh tác, đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp địa phương.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng kinh doanh buôn bán dạo cây giống, bán cây giống trên các xe chở hàng và di chuyển thay đổi địa điểm liên tục. Chất lượng các loại cây giống buôn bán theo hình thức này kém, không kiểm soát được dịch bệnh, gây ảnh hưởng xấu đến người sản xuất và gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng.
Mặt khác, một số nông dân thông qua các nguồn tin trên mạng xã hội, chưa được kiểm chứng đã đi lấy giống cây trồng tại các địa phương khác về trồng, đã gây ra một số bệnh hại trên cây trồng, như bệnh khảm lá trên cây mì, bệnh trắng lá trên cây mía lây lan nhanh, rộng đã gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân.
|
“Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về công tác bảo vệ thực vật nói chung, lĩnh vực giống nói riêng, khuyến cáo người dân, nhất là bà con ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mua giống ở các cơ sở có địa điểm sản xuất, kinh doanh; giấy phép đăng ký kinh doanh hợp pháp; có hồ sơ truy xuất nguồn gốc lô giống, nhãn mác rõ ràng. Tuyệt đối không mua các giống bán dạo trên thị trường”- ông Nguyễn Hoài Tâm cho biết.
Trước yêu cầu cấp bách về quản lý giống, ngay đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.
Trong đó yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất kinh doanh giống cây trồng; hướng dẫn người dân lựa chọn, sử dụng giống cây trồng đã có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.
Tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện như xe gắn máy, xe ô tô các loại buôn bán giống cây trồng trái pháp luật; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.
Công khai danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn; cập nhật danh sách nguồn giống được công nhận, công nhận lại hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng để tổ chức, cá nhân, người dân biết, lựa chọn.
Ông Nguyễn Hoài Tâm khẳng định, thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh, Chi cục sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý giống cây trồng để tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, buôn bán giống cây trồng trên địa bàn tỉnh biết, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.
Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán giống cây trồng trên địa bàn tỉnh biết về các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng từng loại giống cây trồng cụ thể trên địa bàn tỉnh để thực hiện.
Ông Nguyễn Tri Sáu- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) nhận định, việc thắt chặt quản lý giống cây trồng là rất cần thiết, bởi chất lượng giống là yếu tố tiên quyết mang lại thành công cho người sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, quản lý giống chặt chẽ sẽ giúp ngăn chặn tình trạng xâm nhập của các giống kém chất lượng hoặc nhiễm bệnh vào tỉnh, góp phần ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên diện rộng- ông Nguyễn Tri Sáu nhận định.
Phù Lưu