Phụ nữ Kon Plông chung sức xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, trong những năm qua, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kon Plông thường xuyên vận động hội viên, phụ nữ trên địa bàn tham gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.
Trong những chuyến công tác về xã Pờ Ê, chúng tôi nhận thấy đường làng, ngõ xóm khá khang trang. Chị Y Đa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pờ Ê, cho biết: Mô hình “Làng phụ nữ nông thôn mới” đã được các chi hội phụ nữ trong xã phối hợp với Đoàn Thanh niên triển khai, nên đến nay, nhận thức của chị em phụ nữ đã được nâng lên rõ rệt. Ngoài việc lao động sản xuất cùng với gia đình để tạo ra của cải vật chất lo cho cuộc sống, thì vấn đề vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm, chăm sóc con cái, hiếu thảo với cha mẹ... cũng được chị em quan tâm.
Chị Y Hảo - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Long, vui mừng cho biết: Muốn xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bền vững, thì việc giáo dục cho người dân, trong đó đặc biệt là thế hệ trẻ, phải tham gia học tập đầy đủ và có chất lượng. Xác định được mục đích, yêu cầu và ý nghĩa đó, trong nhiều năm qua, mô hình “Tiếng kẻng học tập” ở thôn Kon Leng 1 của xã đã được Chi hội phụ nữ thôn phối hợp với Ban công tác thôn triển khai tốt. Nhờ đó, nên mỗi khi nghe tiếng kẻng báo hiệu, các em học sinh của thôn đều ngồi vào góc bàn học tập của mình để học bài. Nhờ đó, chất lượng học tập của các em học sinh các cấp trong thôn được nâng lên rõ rệt, trong đó nhiều em đã đạt được học sinh khá, giỏi.
|
Bà Trần Lan Phương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kon Plông, cho biết: Để từng bước triển khai có hiệu quả và nhân rộng các mô hình xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, Hội đã chủ động phối hợp vận động và xây dựng được một số mô hình góp phần xây dựng nông thôn mới tại 3 xã: Pờ Ê, Măng Cành, Đăk Long. Trong đó, tại xã Pờ Ê, mô hình “Làng phụ nữ nông thôn mới” được triển khai tại thôn Vi Ô Lắc, có 72 thành viên tham gia. Tại xã Măng Cành có mô hình “Con đường tự quản” được triển khai tại thôn Kon Năng, có 20 thành viên và Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” tại thôn Kon Chênh, có 31 thành viên tham gia. Tại xã Đăk Long có mô hình “Tiếng kẻng học tập” tại thôn Kon Leng 1, có 30 thành viên tham gia. Các mô hình này đã thu hút sự tham gia của hội viên phụ nữ và nhân dân, đồng thời là động lực góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Qua khảo sát, toàn huyện đã có 420 hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo làm chủ hộ cần được giúp đỡ để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời mong muốn tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế gia đình để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Bởi vậy, với sự quan tâm của các cấp Hội, nhiều chị em đã được tham gia các mô hình mới như: mô hình trồng cà phê xứ lạnh ở xã Hiếu và xã Pờ Ê đã có 44 chị tham gia; mô hình trồng cây chanh và nuôi giun quế làm thức ăn cho cá tầm, cá hồi ở xã Măng Cành và xã Pờ Ê đã có 36 chị tham gia; mô hình trồng chè ở xã Măng Bút có 125 chị tham gia và đã trồng được 10 ha chè; mô hình nuôi heo địa phương ở xã Đăk Long có 60 chị tham gia…
Trong 3 năm qua (2014-2017), chị em phụ nữ trên địa bàn huyện đóng góp, giúp công lao động cho các gia đình chính sách, gia đình phụ nữ khó khăn hoạn nạn với nhiều hình thức, trong đó đã xây dựng được 18 mô hình hũ gạo tiết kiệm, giúp 34,7 triệu đồng và giúp cây giống, con giống, giúp công lao động quy ra tiền khoảng 11,255 triệu đồng.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và trẻ em, Hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ sở Hội tổ chức tuyên truyền thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, chương trình phối hợp “Tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi” giai đoạn 2012-2015 và tổ chức được 150 buổi tuyên truyền tại các chi hội, thu hút 3.217 lượt chị tham gia. Ngoài ra, nhờ được tiếp cận với các dịch vụ y tế, chị em hội viên phụ nữ đã thực hiện tốt các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, đưa con đi tiêm phòng đầy đủ...
Bà Trần Lan Phương cho biết thêm: Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp hội viên phụ nữ về Đề án Giáo dục về truyền thống, phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước gắn với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” để xây dựng thành công Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Qua đó, vận động chị em tích cực tham gia vay vốn phát triển kinh tế gia đình; tham gia các phong trào thi đua xóa đói giảm nghèo, mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ hộ, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của hội viên phụ nữ.
Box: Góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong 3 năm qua (2014-2017), chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện đã xây dựng được 18 mô hình hũ gạo tiết kiệm, giúp nhau 34,7 triệu đồng tiền mặt và giúp cây giống, con giống, ngày công lao động quy ra tiền khoảng 11,255 triệu đồng.
Bài và ảnh: Trần Văn Phúc