Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Kon Plông
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến đang là xu hướng trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay. Tại tỉnh ta, Kon Plông là địa phương đi đầu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và đang mang lại hiệu quả bước đầu đáng khích lệ…
Hiệu quả bước đầu
Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 30/6/2016 của Tỉnh ủy “về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh”, ngày 29/8/2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông ban hành Chương trình 29-CT/HU nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy.
Để cụ thể hóa chủ trương trên, huyện Kon Plông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiềm năng thế mạnh của địa phương; đồng thời, tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi thu hút đầu tư và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đến đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.
Một điều kiện thuận lợi để Kon Plông phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen được thành lập và quy hoạch với tổng diện tích hơn 170ha. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, huyện Kon Plông chỉ đạo các ngành chức năng của huyện ưu tiên nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng như mở đường, hệ thống điện, hệ thống cấp nước… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân đến đầu tư.
Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen chủ động ký kết hợp tác với các tổ chức như Công ty CP Xây dựng 47, Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Măng Đen… hỗ trợ nghiên cứu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân có nhu cầu đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa bàn.
Huyện Kon Plông chủ động kêu gọi và đứng ra kết nối với các doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn, nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân yên tâm sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.
Với sự chủ động và tích cực của chính quyền huyện Kon Plông, đến nay, địa phương thu hút được 49 dự án đăng ký và thực hiện đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.639,7 tỷ đồng, diện tích đăng ký triển khai thực hiện là 1.473,3ha. Các dự án đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu rau, hoa, củ, quả xứ lạnh và cây trồng khác...
Hiện tại, huyện Kon Plông thu hút được 5 dự án lớn đang triển khai tại địa bàn là:. Dự án Đầu tư phát triển nông nghiệp chất lượng cao của Công ty Vin Eco- thuộc Tập đoàn Vin Group với quy mô dự án 511,23ha, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng; Dự án Nông trại hữu cơ Kon Tum Bellest với quy mô 105ha, tổng mức đầu tư 67,2 tỷ đồng; Dự án Đầu tư trồng cây dược liệu và rau hoa củ quả sạch của Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Măng Đen với quy mô 12,8ha, tổng mức đầu tư 29,3 tỷ đồng; Dự án Trồng và phát triển nguồn nguyên liệu nông sản cao xuất khẩu của Công ty TNHH Đông Phương - Quảng Nam, quy mô 30,6ha, tổng mức đầu tư 14,8 tỷ đồng và Dự án Nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH KonPlong Agri-Tourism với quy mô 33,5ha, tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng…
|
Các dự án của các doanh nghiệp, cá nhân ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, điện, nước, nhà ở, nhà kho, khu chế xuất còn đầu tư hạ tầng sản xuất như hệ thống nhà lồng, nhà kính khoảng 40.200m2; áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân theo công nghệ Israel, tưới phun sương để phục vụ cho sản xuất. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy làm đất như máy cày, máy xới, máy lên luống, máy đánh hố… để phục vụ sản xuất trong dự án.
Các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Kon Plông từng bước thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGap, hữu cơ. Hiện nay, một số doanh nghiệp, cá nhân tổ chức sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả được khoảng 118ha gồm các loại như: Bí nhật, bắp sú, cà chua bi, dâu tây, cà rốt, khoai tấy, súp lơ, xà lách…; và có khoảng 200ha phát triển các loại cây ăn quả như cam, bưởi, chanh, bơ, chuối… sản xuất theo tiêu chuẩn sản phẩm sạch, an toàn. Các doanh nghiệp tiến hành xây dựng áp dụng công nghệ truy xuất sản phẩm bằng mã vạch nhằm tạo thương hiệu và đảm bảo chất lượng sản phẩm khi cung cấp ra thị trường, tạo sự yên tâm cho khách hàng tiêu thụ sản phẩm và hướng đến xuất khẩu...
Điều đáng mừng là, hiện nay một số sản phẩm nông nghiệp sạch của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn huyện Kon Plông đã được các siêu thị trong và ngoài tỉnh tiếp nhận và ký kết hợp đồng thường xuyên bao tiêu sản phẩm. Đơn cử như sản phẩm cà chua Nhật Bản của Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Măng Đen và các loại dưa leo bao tử, cà chua Úc, các loại rau trồng theo công nghệ thủy canh của Công ty Việt Sáng-Vifram… cung cấp cho các siêu thị tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Một số doanh nghiệp chủ động kết nối sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp, nhà hàng, siêu thị trong khu vực nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 3 đơn vị liên kết, đưa sản phẩm vào siêu thị BigC miền Trung để tiêu thụ. Đó là Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Măng Đen với sản phẩm cà chua; Trạng trại trồng trọt Nguyễn Thị Thiện Mỹ với sản phẩm cà chua, bắp sú; Trang trại trồng trọt Hà Văn Đại với sản phẩm sâm dây, đinh lăng, đương quy...
|
Nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch khác được trồng và sản xuất tại địa bàn huyện Kon Plông đang được người tiêu dùng trong ngoài tỉnh tin dùng. Đó chính là hiệu quả bước đầu trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Kon Plông.
Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, chính quyền huyện Kon Plông đang tích cực thu hút đầu tư, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao tại địa bàn. Huyện Kon Plông sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp trong việc phát triển, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.
Cùng với đó, huyện Kon Plông tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và chỉ đạo Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen nghiên cứu xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao các quy trình sản xuất, ươm tạo doanh nghiệp, khởi nghiệp.
UBND huyện đề ra các chủ trương, giải pháp hữu hiệu nhằm chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá trong nước và ngoài nước để thu hút nguồn lực về vốn, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực để phát triển Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen và xem đây là một trong những đòn bẩy quan trọng góp phần đẩy nhanh tăng trưởng, phát triển kinh tế của địa phương, quyết tâm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kon Plông lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015- 2020) đã đề ra.
Bên cạnh đó, huyện Kon Plông chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, chứng nhận theo tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp, giúp các cá nhân, tổ chức xây dựng các thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phấn đấu 100% các doanh nghiệp trong Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đều có một trong các chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ…
Năm 2019 này, huyện Kon Plông phấn đấu thu hút 6 đến 7 doanh nghiệp đạt tiêu chí dự án nông nghiệp công nghệ cao đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen; hình thành ít nhất 2 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao giá trị, sản phẩm của doanh nghiệp trong Khu sản xuất cao gấp 8-10 lần so với làm truyền thống; hoàn thiện kỹ thuật và chuyển giao công nghệ trồng bí Nhật Bản cho nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện, đồng thời nghiên cứu sản xuất thử hạt giống tại huyện Kon Plông.
Huyện Kon Plông đề ra chủ trương phấn đấu trong năm 2019 hình thành 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa, củ, quả an toàn, cá nước lạnh, sản phẩm từ gia súc ứng dụng công nghệ cao tại địa bàn và phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tổ chức liên kết các doanh nghiệp, hộ dân sản xuất trong vùng quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen để tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, đủ năng lực cung cấp cho các siêu thị và hướng đến xuất khẩu đang là mục tiêu mà huyện Kon Plông hướng đến. Vì vậy, việc kết nối với các doanh nghiệp chuyên cung cấp vật tư, các doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến, phân phối để hình thành chuỗi liên kết nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, cùng chia sẻ lợi ích để cùng nhau phát triển bền vững đang được địa phương chú trọng, xúc tiến, phấn đấu đưa Kon Plông trở thành vùng nông nghiệp sạch mạnh trong tỉnh và khu vực….
Bài, ảnh: Phúc Nguyên