Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cây dược liệu ở Kon Rẫy
Xác định là một trong ba lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong thời gian qua, huyện Kon Rẫy đã ưu tiên nguồn lực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu gắn với liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu ở huyện Kon Rẫy, bước đầu tạo được dấu ấn đáng ghi nhận.
Để thực hiện mục tiêu tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu gắn với liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu, ông Võ Văn Lương - Chủ tịch UBND huyện cho biết, UBND huyện cụ thể hoá từng nội dung, từng lĩnh vực giao cho từng phòng, ban chuyên môn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện.
Theo đó, trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện chú trọng thực hiện trên cơ sở liên kết giữa doanh nghiệp với người dân sản xuất. Điển hình như mô hình liên kết giữa Công ty TNHH Biophap với hộ nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế với các cây trồng như cam cara, cam sành, bưởi da xanh, chanh không hạt, gừng, nghệ, tiêu, bơ, mãng cầu, xoài, dược liệu hương thảo...
Hay như mô hình liên kết giữa Nhà máy chế biến tinh bột sắn huyện Kon Rẫy (Công ty cổ phần Fococev Tây Nguyên) với nông dân sản xuất khoảng 100ha mì trên cánh đồng mẫu lớn tại thôn 11 (xã Đăk Ruồng), 50ha mì cánh đồng mẫu lớn thôn Đăk Pô Kông, thôn Đăk Puich (xã Đăk Tờ Re) để cung cấp nguyên liệu chế biến cho nhà máy.
|
Ở xã Đăk Ruồng, Nhà máy Đường Kon Tum liên kết và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân sản xuất giống mía mới KK3, Sunpha buri 7. Đồng thời, Nhà máy ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm mía cho nông dân.
Ở xã Đăk Tờ Lung, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân sản xuất 5ha cà phê vối, 1,2ha chuối nuôi cấy mô, 15ha chuối mốc theo chuỗi liên kết; đưa các giống mì cao sản KM 140, KM 419, KM 98-5, lúa lai nhị ưu 838 và lúa đài thơm tám... để góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho nông dân.
Trong chăn nuôi, Trung tâm Cá giống và thức ăn thủy sản Tá Tiến liên kết với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xanh nuôi cá lồng (6 lồng, 33.000 con) tại lòng hồ thủy lợi Kon Bo Del (xã Đăk Ruồng). Việc sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn kết với tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên Hợp tác xã.
Về phát triển cây dược liệu, Công ty cổ phần KoRa Group, Hợp tác xã Nông sản và Dược liệu sạch Kon Tum xây dựng vườn ươm cây giống đảng sâm tại thôn 3, xã Tân Lập để cung cấp cây giống cho nông dân sản xuất tại địa phương.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ cây mật nhân dưới tán rừng tại tiểu khu 553, 554, thôn 6, thôn 12 (xã Đăk Tờ Re); xây dựng và trồng thử nghiệm cây đương quy tại thôn Kon Lỗ (xã Đăk Tờ Lung)...
Việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu gắn với liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu trên địa bàn huyện Kon Rẫy đang mở ra những hướng đi mới cho người nông dân. Để đánh giá hiệu quả sản xuất từ những hướng đi mới này, đòi hỏi cần phải có thêm thời gian, nhưng với những gì chính quyền địa phương cùng với doanh nghiệp và nông dân đang xây dựng các mô hình, đây là kết quả đáng ghi nhận.
Văn Nhiên