Phát triển hợp tác xã nông nghiệp
Với những lợi thế trong phát triển nông nghiệp nên phần lớn các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua quá trình hoạt động, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người nông dân, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh có 200 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 3.158 thành viên. Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, doanh thu bình quân khoảng 1.035 triệu đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân sau thuế khoảng 250 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 40 triệu đồng/người/năm.
Hầu hết các HTX nông nghiệp đã kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, bố trí người có trách nhiệm cao vào các vị trí chủ chốt ở các khâu công việc, tạo được sự chuyển biến cơ bản về quan hệ sở hữu, phương thức quản lý và phân phối; hạch toán tài chính theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Các HTX nông nghiệp đã chú trọng sử dụng phương thức khoán và hợp đồng dịch vụ trong các khâu để phát huy vai trò làm chủ của thành viên, tăng năng suất và sinh lợi trực tiếp. Bên cạnh đó, tiếp tục xử lý những tồn đọng về nguồn vốn, tài sản và vốn góp của thành viên, làm rõ tư cách thành viên. Nhiều HTX được tăng cường về nguồn lực con người, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ công nghệ, tiềm lực tài chính...
|
Theo ông Nguyễn Lâm Cảnh - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, trên 60% số HTX nông nghiệp đã có tích luỹ vốn và thực hiện tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Các HTX này có tốc độ phát triển ổn định, bền vững, điển hình như: HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Ia Chim; HTX Sáu Nhung, HTX Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Rạng Đông, HTX rau, hoa và du lịch Thanh Niên, HTX Công Bằng Pô Kô, HTX nấm Đông trùng hạ thảo, HTX Tân Sang Hoàng, HTX Cao nguyên Coffee, HTX dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông.
Đặc biệt, thời gian gần đây ngày càng có nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, là đầu mối thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản suất, tạo thêm việc làm, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên và người nông dân.
Tiêu biểu như HTX Công bằng Pô Kô (huyện Đăk Hà) liên kết với các hộ dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê 220ha, sản lượng hàng năm 900 tấn/năm. Hình thức liên kết sản xuất theo quy trình từ khâu sản xuất đến thu hoạch, giá bán sản phẩm được HTX cam kết mua cao hơn so với mức giá sàn 200 đồng/kg cà phê nhân.
|
Theo bà Phạm Thị Huyền Anh- Chủ tịch HĐQT HTX, toàn bộ diện tích của HTX được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ VietGap, được áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, tưới tiêu phun mưa tự động. Do vậy các sản phẩm của HTX chế biến ra đều được quản lý, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cho ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, chất lượng cao, tốt cho sức khỏe cộng đồng, bảo đảm vệ sinh môi trường và đã được Cục sở hữu trí tuệ của Bộ khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký thương hiệu, được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã số mã vạch. Hiện nay, sản phẩm của HTX được xuất khẩu sang các nước như Anh, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Đức, Bỉ.
Hay như HTX rau hoa và Du lịch Măng Đen (huyện Kon Plông) đã chú trọng ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Với diện tích khoảng 10.000m2 nhà màng cùng khoảng 30 loại rau, mỗi loại rau lại ở thời gian sinh trưởng khác nhau nhưng nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất HTX chỉ cần có 10 công nhân. Bà Trần Ngọc Diệp- Giám đốc HTX cho biết: Nhờ ứng công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, HTX đã có thể bán được sản phẩm của mình với giá cao hơn 20% các sản phẩm khác. Bởi các sản phẩm rau cuả HTX luôn có đầy đủ và minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc gieo trồng, tạo sự an tâm cho người dùng và các hệ thống siêu thị lớn ở TP HCM. Sản lượng của HTX đã tăng 4 lần, doanh thu gấp 10 lần so với trước.
Hoạt động hiệu quả, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người nông dân. Đồng thời, chủ động trích các nguồn quỹ cùng chính quyền địa phương tham gia đầu tư công trình hạ tầng nông thôn và các hoạt động xã hội như: xây dựng công trình giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng văn hoá xã hội, quỹ tình nghĩa, xây nhà tình nghĩa, trường mầm non, hỗ trợ hoạt động của các đoàn thể, hỗ trợ ngân sách xã, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Hà Nam