Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn: Cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
Đề án Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020 đã xác định “Tạo hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch mang đặc trưng riêng của Kon Tum; xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch đa dạng, có chất lượng; phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh…, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể...”. Để đạt mục tiêu này, đưa du lịch trở thành một trong số ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo hướng phù hợp và hiệu quả là vấn đề cần quan tâm.
Nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh Kon Tum đã được khẳng định với nền tảng hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, bề dày truyền thống văn hóa của các DTTS. Đó còn chưa kể vị trí địa lý thuận lợi nằm trong hành lang kinh tế Đông Tây và khả năng kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các loại hình, sản phẩm du lịch có thế mạnh đã từng bước được hình thành gồm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng…
Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp xây dựng 68 điểm du lịch về văn hóa - lịch sử, 10 điểm du lịch lịch sử - cách mạng, 21 điểm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng.
Riêng mô hình du lịch cộng đồng không chỉ được hình thành tại làng Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), làng Kon Pring (xã Đăk Long, huyện Kon Plông), làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), mà còn bước đầu được các huyện quy hoạch, xây dựng.
|
“Các sản phẩm du lịch tại địa bàn tỉnh từng bước phát triển, phát huy hiệu quả thu hút du khách. Nhiều doanh nghiệp cũng đã bước đầu đầu tư vào các điểm đến tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen, thành phố Kon Tum, Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y…” - ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch ghi nhận.
Làng du lịch cộng đồng Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) là một trong số điểm đến thu hút đông du khách gần xa đến tham quan, khám phá, trải nghiệm.
Trong khi dân làng quan tâm giới thiệu nét đẹp văn hóa dân gian của người Ba Na thông qua lễ hội truyền thống, biểu diễn cồng chiêng - xoang; nhiều gia đình đồng bào địa phương tập trung giới thiệu nghề dệt thổ cẩm truyền thống và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thì vợ chồng chị Y Djer nhiệt tình giúp du khách làm quen với nét đẹp của âm nhạc dân tộc với các nhạc cụ bằng tre nứa như tơ rưng, ting ning.
Chị Y Djer nói: Làng mình rất vui được đón du khách tới. Khách trong nước có, khách nước ngoài có. Khách muốn tìm hiểu, khách thích nghe thì vợ chồng mình nhiệt tình giới thiệu, biểu diễn cho khách. Có khi, còn tập trung ra nhà rông để cùng biểu diễn, giao lưu với khách nữa. Thi thoảng có thêm thu nhập, mình cũng mừng.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển ngành kinh tế đặc thù. Vì vậy, song song với yêu cầu đầu tư hạ tầng và điều kiện cơ sở phục vụ du lịch, quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác này rất cần được chú ý; trong đó, có người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch.
Chị Y Lim ở làng du lịch cộng đồng Kon Pring (xã Đăk Long, huyện Kon Plông) cho biết, bà con trong làng ai cũng cố gắng làm quen với du lịch. Phụ nữ làm rượu, nấu nướng, đan lát; còn đàn ông thì làm cái nỏ, cái đơm... Trước đây, những thứ này chỉ dùng trong gia đình và cho người thân, bây giờ thành sản phẩm để trao đổi với du khách.
Trong tổng số gần 100 điểm du lịch đã được hình thành tại địa bàn tỉnh, 21 điểm du lịch sinh thái là những điểm đến thu hút nhiều sự quan tâm của du khách. Cùng với các sản phẩm du lịch bước đầu đã trở thành "thương hiệu" ở Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, sắp tới, thế mạnh của một số địa phương cũng được đưa vào khai thác, phục vụ du khách và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.
“Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 vào tháng 12/2018, hai điểm du lịch mới của tỉnh được công bố là Khu du lịch sinh thái vườn Quốc gia Chư Mom Ray ở huyện Sa Thầy và chinh phục đỉnh Ngọc Linh gắn với di tích lịch sử, tham quan vườn sâm tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông” - ông Phan Văn Hoàng cho hay.
Hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch “hướng đến sự hài lòng của khách du lịch” là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Ở tỉnh Kon Tum, thực tế điều kiện hạ tầng du lịch chưa đồng bộ và còn khó khăn, sản phẩm du lịch còn hạn chế và đơn điệu, thiếu điểm nhấn, chất lượng chưa cao… đang đặt ra yêu cầu cần không ngừng phát triển hệ thống sản phẩm du lịch vừa đa dạng, hấp dẫn, vừa phải thực sự chuyên nghiệp nhằm tạo ra sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập và phát triển. Trong đó, song song với mở rộng tour-tuyến du lịch, quan tâm xây dựng các điểm du lịch mới nhằm đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch mang bản sắc và thương hiệu là định hướng xuyên suốt.
Thanh Như