Phát triển cây sâm Ngọc Linh: Từ lợi ích kép đến quan tâm đặc biệt
Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng mang lại lợi ích kép cả về kinh tế lẫn công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên vướng mắc hiện nay là không thể cho người dân thuê rừng đặc dụng để trồng sâm Ngọc Linh vì trái với quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017. Điều may mắn là cây sâm Ngọc Linh đang tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt để phát triển.
Lợi ích kép từ việc trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng
Sau hàng chục năm bảo tồn nguồn giống phát triển diện tích, đến nay tỉnh Kon Tum có trên 500ha sâm Ngọc Linh được trồng ở các xã: Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông.
Điều đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh chỉ phát triển dưới tán rừng tự nhiên mà độ che phủ tối thiểu phải đạt 70% và có độ cao từ 1.200 đến 2.500m so với mặt nước biển trong vùng núi thuộc quần thể Ngọc Linh.
Bởi vậy muốn trồng được sâm Ngọc Linh, dù muốn hay không điều đầu tiên là phải bảo vệ được rừng. Anh A Đạt, làng Đăk Viên, xã Tê Xăng cho biết, tình trạng phá rừng để làm nương rẫy đã là chuyện của ngày xưa. Bây giờ bà con trong vùng ai cũng muốn bảo vệ rừng để trồng được sâm Ngọc Linh.
Mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng có ưu điểm vượt trội, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ được rừng bền vững.
|
Bà Y Xuôi, một người con của dân tộc Xơ Đăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, đây là lời giải cho bài toán khó đeo đẳng hàng chục năm nay, đó là làm thế nào để đồng bào DTTS sống được từ rừng, làm giàu từ rừng và bảo vệ rừng bền vững.
"Mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cực cao mà còn rất phù hợp với tập quán, trình độ lao động sản xuất và với đặc trưng văn hóa của người Xơ Đăng là gắn bó với rừng" - bà Y Xuôi khẳng định.
Trên thị trường, hiện 1kg sâm Ngọc Linh tươi gồm cả củ, lá với mỗi củ nặng một lạng có giá bán trên 120 triệu đồng. Bởi vậy chỉ cần trồng được loài cây đặc hữu này người dân đã cầm chắc cơ hội xóa nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Thực tế cho thấy ở các xã, Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) có không ít hộ dân trồng được hàng nghìn gốc sâm Ngọc Linh trở thành những tỷ phú từ chính núi rừng quê hương.
"Hiện tại chưa cần khai thác bán củ, hàng năm người dân chỉ cần thu hạt gieo ươm bán cây sâm giống cũng đã có nguồn thu đáng kể - ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết - Có nguồn thu lớn từ việc trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng nên người dân tự có ý thức bảo vệ rừng. Lợi ích kép là như vậy".
Quan tâm đặc biệt để phát triển cây sâm Ngọc Linh
Nhận thức rõ lợi ích việc trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Kon Tum đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu.
Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2020 phát triển khoảng 2.000ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung, trong đó ít nhất có 1.000ha sâm Ngọc Linh. Đến năm 2030 nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu đạt khoảng 25.000ha, trong đó có khoảng 10.000ha sâm Ngọc Linh.
Cụ thể hóa mục tiêu này, HĐND tỉnh ra Nghị quyết thông qua phương án giao rừng, cho thuê rừng đối với diện tích rừng phòng hộ, sản xuất. Mục đích để thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững, kết hợp kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng với tổng diện tích hơn 102.000ha.
Tuy nhiên, đối với diện tích gần 17.000ha rừng đặc dụng, rất phù hợp cho việc trồng sâm Ngọc Linh đang vướng Luật.
Theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, việc thuê rừng để sản xuất lâm nghiệp; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí chỉ áp dụng đối với rừng sản xuất. Như vậy địa phương không thể cho thuê rừng đặc dụng để tiếp tục mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh.
Trước vướng mắc trên, tỉnh Kon Tum có tờ trình đề nghị Trung ương xem xét, thống nhất cho phép tỉnh thực hiện thí điểm việc giao rừng, cho thuê đối với trên 8.800ha rừng đặc dụng thuộc lâm phần của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh để trồng và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.
Lắng nghe kiến nghị của tỉnh, từ ngày 4 đến ngày 6/9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra thực tế vùng trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông.
Tại đây, Thủ tướng đánh giá sâm Ngọc Linh là “Quốc bảo” và mong muốn đưa “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh.
Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum trước khi dự Hội nghị Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác, Thủ tướng dành sự quan tâm đặc biệt đến cây sâm Ngọc Linh và có chỉ đạo quan trọng giải quyết vướng mắc để địa phương có thể thí điểm thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng đặc dụng trồng sâm Ngọc Linh.
“Về thực hiện thí điểm việc giao rừng, cho thuê rừng đặc dụng để phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu khác dưới tán rừng, quản lý bảo vệ rừng bền vững. Tôi đề nghị với tỉnh có Đề án Thí điểm cho thuê môi trường rừng đặc dụng để phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác trình cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan hướng dẫn tỉnh lập, thẩm định Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần tạo thuận lợi cho Kon Tum hình thành được một vùng dược liệu dưới tán rừng” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Để sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia, nâng tầm quốc tế, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền tỉnh Kon Tum đang tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho sản phẩm đặc hữu này.
Cơ hội lớn đang rộng mở với người dân địa phương và đối với sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng trên đỉnh Ngọc Linh, nơi được mệnh danh là nóc nhà của Tây Nguyên, đồng thời cũng là khởi nguồn của nhiều sông suối trong khu vực.
Khoa Điềm