Phát triển cà phê xứ lạnh vùng Đông Trường Sơn
Nhận thấy vùng Đông Trường Sơn với điều kiện đặc trưng (địa hình chia cắt, đất cát pha, khí hậu mát mẻ…) rất thích hợp phát triển cây cà phê xứ lạnh, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 790/QĐ-UBND, ngày 28/12/2023 phê duyệt Đề án Khôi phục và phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với nguồn hỗ trợ của Đề án, các địa phương còn quan tâm bố trí lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách cấp huyện và 3 chương trình mục tiêu Quốc gia hỗ trợ cho nhân dân phân bón, nguồn cây giống có năng suất cao, chất lượng tốt như THA1, TN1, TN2 để phục vụ trồng mới. Theo thống kê, tổng nguồn vốn các huyện phân bổ để thực hiện phát triển cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh hơn 6,067 tỷ đồng, trong đó, huyện Đăk Glei 2,067 tỷ đồng, huyện Kon Plông hơn 1 tỷ đồng, huyện Tu Mơ Rông 3 tỷ đồng.
Cùng với hỗ trợ cây giống, phân bón, ngành Nông nghiệp và 3 huyện đã triển khai 32 lớp tập huấn kỹ thuật trồng mới, tái canh, chăm sóc và quản lý sinh vật gây hại trên cây cà phê xứ lạnh cũng như các biện pháp kỹ thuật cưa đốn, phục hồi trên địa bàn 23 xã; xây dựng được 11 điểm trình diễn mô hình trồng, chăm sóc cà phê xứ lạnh với 24,40ha ở 3 huyện.
Từ các nguồn lực hỗ trợ, những năm gần đây, người dân các huyện vùng Đông Trường Sơn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mạnh cây cà phê xứ lạnh. Đến cuối năm 2024, tổng diện tích cây cà phê xứ lạnh ở 3 huyện là trên 4.203ha, trong đó, trồng mới năm 2024 là 750ha.
|
Bên cạnh đó, các huyện còn thực hiện tái canh và cưa đốn phục hồi. Tiêu biểu như ở huyện Đăk Glei đã cưa đốn, phục hồi được 15ha và đặc biệt tái canh được 145,6ha/40 ha, đạt 364% kế hoạch, trong đó, Đăk Choong 50,5ha, Đăk Man 13,6ha, xã Xốp 29,7ha, Mường Hoong 22,1ha, Ngọc Linh 29,3ha, Đăk Plô 0,4ha.
Với điều kiện tự nhiên phù hợp, Tu Mơ Rông là 1 trong 3 huyện phát triển mạnh cây cà phê xứ lạnh trong những năm qua. Theo ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện, với thời gian cho thu hoạch ngắn (3 năm bắt đầu cho thu bói), năng suất bình quân đạt khoảng 1,5-2 tấn nhân khô/ha, tương đương 7,50-10 tấn cà phê tươi/ha, sau khi trừ chi phí sản xuất, mang lại lợi nhuận khoảng 60-80 triệu đồng/ha/năm nên khi huyện có định hướng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, người dân trên địa bàn huyện tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư phát triển cà phê xứ lạnh.
Đến nay, diện tích cà phê xứ lạnh ở Tu Mơ Rông là 2.114ha, trong đó, diện tích trồng mới trong năm 2024 là hơn 250ha. Với mức giá bán cao, lại không phải dành quá nhiều thời gian chăm sóc, phù hợp với khả năng, phương thức canh tác nên người dân rất phấn khởi.
Ông A Chen, ở thôn Chung Tam là một trong những hộ trồng cà phê xứ lạnh ở xã Măng Ri. Từ sự hỗ trợ cây giống, phân bón, được tập huấn kỹ thuật của Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh, gia đình ông nhận thấy hiệu quả đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 1ha cà phê xứ lạnh, mang lại nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi năm. “Nhờ cây cà phê xứ lạnh mà gia đình tôi thoát được nghèo, có tiền dành dụm mua sắm các vật dụng sinh hoạt đắt tiền, lo cho các con ăn học” – ông A Chen tâm sự.
|
Cũng như ở huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, huyện Kon Plông xác định phát triển cà phê xứ lạnh là một trong những cây trồng chủ lực. Để tạo cơ hội cho người dân thoát nghèo bền vững, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cà phê xứ lạnh, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ cho người dân. Bên cạnh đó, mở rộng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cà phê xứ lạnh dưới hình thức hỗ trợ giống cây trồng và kỹ thuật, ký hợp đồng thu mua cà phê tươi giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp với người dân. Đến nay, toàn huyện Kon Plông có gần 1.000ha cà phê, tập trung ở xã Hiếu, Măng Cành, Pờ Ê.
Đến cuối năm 2025 sẽ phát triển nâng tổng diện tích cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện lên khoảng 1.300 ha. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Kon Plông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi những diện tích đất trồng mì lâu năm đã bị bạc màu cho hiệu quả kinh tế thấp, có điều kiện sinh thái phù hợp sang trồng cây cà phê xứ lạnh; đồng thời, vận động, hướng dẫn người dân cải tạo và phục hồi bằng các biện pháp như cưa đốn phục hồi, ghép cải tạo, tái canh để tiến hành triển khai khôi phục những diện tích già cỗi theo lộ trình đến năm 2025. Với hiệu quả cây cà phê xứ lạnh mang lại trong thời gian qua, người dân trên địa bàn tích cực ủng hộ, đăng ký mở rộng diện tích, sẵn sàng cho vụ trồng mới.
Phát huy hiệu quả cây cà phê xứ lạnh, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các huyện tiếp tục quan tâm bố trí các nguồn lực để hỗ trợ cho nhân dân cây giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật kết hợp thực tế tại vùng sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích cây mì, bời lời kém hiệu quả sang trồng cà phê xứ lạnh, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung hàng hóa và tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Phúc Nguyên