Bứt phá phát triển công nghiệp, nông nghiệp và du lịch
Việc hợp nhất hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum không chỉ là sự kiện hành chính quan trọng mà còn là thời cơ lịch sử để thiết lập một mô hình tăng trưởng bền vững, hài hòa giữa biển và núi, giữa công nghiệp hiện đại và nông nghiệp xanh, giữa đô thị ven biển sôi động và vùng cao nguyên sinh thái.
|
Cơ hội kiến tạo vùng động lực mới
Phát biểu tại cuộc họp lần thứ 2 giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ngày 11/5 vừa qua tại thành phố Quảng Ngãi, đồng chí Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum khẳng định: “Tỉnh Quảng Ngãi mới sau khi hợp nhất sẽ có lợi thế rất lớn, cần đặt mục tiêu phấn đấu quyết liệt để đuổi kịp các tỉnh dẫn đầu trong khu vực.”
Việc sáp nhập sẽ tạo lợi thế to lớn về phát triển kinh tế- xã hội, giúp hai tỉnh bổ trợ cho nhau, phân bố nguồn lực hợp lý hơn, đầu tư hạ tầng, thúc đẩy phát triển đồng đều, tạo thêm dư địa phát triển kinh tế - xã hội cho cả hai. Đồng thời, hình thành không gian phát triển thống nhất; kết hợp giữa thế mạnh trung tâm công nghiệp chế biến, phát triển kinh tế biến, cảng biển, logistics của Quảng Ngãi với tiềm năng tài nguyên- sinh thái, nông nghiệp sinh thái cao nguyên, nguồn lao động dồi dào của Kon Tum, đặc biệt hơn nữa, Kon Tum hiện có vị trí quốc tế quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế tỉnh Quảng Ngãi (mới), cần một chiến lược dài hạn, vừa kế thừa truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết toàn dân, vừa phát huy tối đa các tiềm năng thiên nhiên và lợi thế địa kinh tế. Trong đó, “ba trụ cột” phát triển được xác định là: công nghiệp hiện đại, nông nghiệp giá trị cao và du lịch sinh thái - văn hóa.
|
|
Liên kết vùng, định hướng phát triển bền vững
Hiên tại, tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi có hệ thống giao thông kết nối tốt với nhau qua Quốc lộ 24 đã nâng cấp và mở rộng. Dự án cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum dài 144km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 44.000 tỷ đồng, đã được đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Dự án được Trung ương giao triển khai trong giai đoạn 2025 - 2030. Dự kiến khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ đóng vai trò kết nối quan trọng giữa trục ngang Đông- Tây với trục Bắc - Nam, mở rộng không gian phát triển liên vùng, tạo mạch thông suốt từ vùng duyên hải miền Trung đến khu vực tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia, đồng thời mở rộng kết nối sang Thái Lan và Myanmar thông qua hệ thống các cảng biển miền Trung.
Song song với đó, sân bay Măng Đen đang được Bộ Xây dựng đề xuất quy hoạch là sân bay dân dụng cấp 4C, công suất 1 triệu lượt khách/năm, giúp Măng Đen trở thành điểm đến du lịch- nghỉ dưỡng quốc gia và quốc tế. Việc hình thành mạng lưới đường bộ và hàng không đồng bộ sẽ giúp rút ngắn khoảng cách, đẩy mạnh giao thương, dịch vụ, logistics toàn vùng.
Vùng duyên hải sẽ tập trung phát triển mạnh công nghiệp, trong đó Khu kinh tế Dung Quất tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng với vai trò trung tâm lọc- hóa dầu, năng lượng và công nghiệp chế biến sâu. Việc mở rộng khu kinh tế này sẽ thu hút các ngành công nghiệp nền tảng, chế biến các sản phẩm nông- lâm sản từ Kon Tum như sâm Ngọc Linh, cà phê, cao su, tạo chuỗi giá trị và việc làm bền vững.
|
|
Tỉnh Quảng Ngãi xác định chương trình phát triển đô thị Lý Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện đảo Lý Sơn sẽ trở thành trung tâm du lịch biển- đảo tầm quốc gia và khu vực, theo định hướng quy hoạch, đặc khu kinh tế - du lịch với diện tích gần 1.500ha sẽ chính thức đi vào hoạt động ngày 1/7/2025. Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển đô thị, nhất là quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu công cộng, quy hoạch quản lý sử dụng không gian nổi, không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo đảm quốc phòng, an ninh; gắn kết chặt chẽ giữa công tác lập quy hoạch, phát triển đô thị với nhiệm vụ lập quy hoạch và quản lý, bảo vệ các khu quân sự và địa hình ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Kết hợp khai thác tài nguyên biển, văn hóa Sa Huỳnh, di sản địa chất núi lửa, Lý Sơn sẽ là “cực tăng trưởng” phía Đông, bổ trợ cho đô thị Quảng Ngãi.
Trong khi đó, ở phía Tây, Kon Tum với thời tiết mát mẻ, hệ sinh thái phong phú và bản sắc văn hóa dân tộc, sẽ phát triển mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp. Khu du lịch Măng Đen với diện tích hơn 4.300ha được quy hoạch thành đô thị sinh thái. Đặc biệt, Kon Tum có lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp dược liệu với các sản phẩm như sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, lan kim tuyến. Những sản phẩm này đang được xây dựng thương hiệu quốc gia và định hướng xuất khẩu với giá trị cao.
Chiến lược phát triển dài hạn
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, nhấn mạnh: “Việc hợp nhất không chỉ là sáp nhập địa giới hành chính, mà còn là cơ hội tái cấu trúc chiến lược phát triển toàn vùng. Chúng ta cần cụ thể hóa các định hướng thành chương trình hành động, gắn với đầu tư công hiệu quả.”
Cũng theo đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, tỉnh mới sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp dược liệu, kinh tế cửa khẩu và năng lượng tái tạo. Việc phát huy lợi thế của cửa khẩu quốc tế Bờ Y sẽ mở ra cánh cửa kết nối Lào, Campuchia và ASEAN, giúp Quảng Ngãi (mới) trở thành trung tâm giao thương của tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Với sự hợp nhất này, một không gian phát triển mới được mở ra - nơi mà biển và núi không còn là khoảng cách, mà là hai cánh cửa hội nhập. Với tầm nhìn dài hạn, chiến lược rõ ràng và quyết tâm chính trị cao, Quảng Ngãi (mới) hoàn toàn có cơ hội vươn lên thành tỉnh phát triển năng động, đa cực và bền vững của miền Trung- Tây Nguyên.
Đức Thắng