Phát huy vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình củng cố, xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác xã, các hợp tác xã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động và phát huy vai trò của các hợp tác xã trong kinh tế tập thể cũng chính là góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, các hợp tác xã đều tham gia vào giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tại Hội thảo “Vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới” mới đây do UBND tỉnh tổ chức, đại diện các hợp tác xã, các ngành, các cấp chính quyền đều khẳng định, các hợp tác xã có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của hợp tác xã là chúng ta góp phần vào xây dựng nông thôn mới.
|
Khẳng định điều này, đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, kinh tế tập thể ở tỉnh ta có những chuyển biến tích cực, các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả không ngừng được tăng lên, nhiều hợp tác xã phát huy được vai trò tập hợp, thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định trong việc tiêu thụ nông sản cho nông dân và thành viên.
Đồng chí Phó Chủ tịch Lê Ngọc Tuấn còn khẳng định, trong xây dựng nông thôn mới, các hợp tác xã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, các hợp tác xã tham gia trực tiếp vào các tiêu chí điện, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, môi trường, thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động… Điều này là hiển nhiên, bởi phần lớn các hợp tác xã nằm ở nông thôn, các hợp tác xã phát triển thì đời sống người lao động và các thành viên hợp tác xã ở nông thôn sẽ được nâng lên; các hợp tác xã có điều kiện góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Vấn đề quan trọng được đặt ra ở đây là cần tiếp tục thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm mới để những quan niệm về hợp tác xã kiểu cũ trong thời bao cấp không còn đọng lại trong đường hướng sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã hoạt động trong cơ chế thị trường hiện nay.
Trong tham luận tại hội thảo, Phó Giáo sư, tiến sĩ Đặng Văn Mỹ- Phân hiệu Đại học Đà Nẵng đưa ra một khái niệm: Hợp tác xã là loại hình kinh tế hợp tác phát triển ở trình độ cao hơn loại hình kinh tế hợp tác giản đơn.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Đặng Văn Mỹ viện dẫn Tổ chức lao động quốc tế (ILO) định nghĩa: Hợp tác xã là sự liên kết của những người đang gặp phải khó khăn về kinh tế giống nhau, tự nguyện liên kết nhau lại trên cơ sở bình đẳng quyền lợi, nghĩa vụ và sử dụng tài sản mà họ đã chuyển giao vào hợp tác xã phù hợp với nhu cầu chung và giải quyết những khó khăn đó chủ yếu bằng sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm và bằng cách sử dụng các chức năng kinh doanh trong tổ chức hợp tác phục vụ cho lợi ích vật chất và tinh thần chung.
Trên tinh thần đó, hợp tác xã giúp đỡ các chủ trang trại, nông dân tồn tại trước những tác động kinh tế thị trường và ảnh hưởng của các tổ chức độc quyền lớn. Do vậy, ngoài mục tiêu kinh tế, hợp tác xã còn là loại hình kinh tế mang tính chất xã hội nhân đạo. Ở những nước nông nghiệp như nước ta, hợp tác xã nông nghiệp là hình thức kinh tế tập thể nông dân, hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp có tác dụng to lớn, tích cực đến hoạt động sản xuất của hộ nông dân.
|
Thực tế cho thấy, ở tỉnh ta các hợp tác xã như Liên hiệp Hợp tác xã nông công nghiệp xanh Kon Tum, Hợp tác xã Nông nghiệp và thương mại Sáu Nhung, Hợp tác xã Nông nghiệp công bằng Pô Kô, Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Tâm, Quỹ Tín dụng nhân dân Hòa Bình… không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, góp phần tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phát huy vai trò của hợp tác xã và trước yêu cầu đặt ra trong việc xây dựng nông thôn mới, tại Hội thảo “Vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm cá nhân, tập thể đơn vị mình thực hiện tốt công tác phát triển kinh tế tập thể gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã, các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cho cán bộ nông thôn mới, thành viên nhận thức đúng đắn về hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, thấy rõ vai trò, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương; đẩy mạnh thực thi các nhóm chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai, tín dụng, tạo môi trường, thủ tục hành chính thông thoáng, thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã...
Nhận thức đúng về vai trò của hợp tác xã, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã phát triển là chúng ta góp phần vào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Văn Nhiên