Phát huy hiệu quả các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học
Đẩy mạnh, tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học mang tính thực tiễn, phù hợp với thực tế địa phương... là vấn đề luôn được Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học-công nghệ chú trọng triển khai trong thời gian qua với mong muốn để đề tài, dự án đó đi vào cuộc sống mang lại hiệu quả...
Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học-công nghệ (gọi tắt là Trung tâm) triển khai thực hiện 9 đề tài, dự án cấp tỉnh và 12 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Trong 9 đề tài thì có 6 đề tài-dự án thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp, 1 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, 2 dự án thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, y dược. Đến nay, đã có 6 đề tài, dự án cấp tỉnh và 11 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng được nghiệm thu, kết thúc. Các đề tài đó đã và đang được áp dụng vào thực tế phát huy hiệu quả.
Cùng với đó, Trung tâm chủ động nghiên cứu làm chủ được các quy trình, công nghệ, từ đó tiếp tục triển khai thực hiện để chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm, kết quả nghiên cứu như: Quy trình nhân giống lan kim tuyến, lan thạch hộc tía, lan giả hạc, lan hồ điệp; quy trình trồng, chăm sóc một số giống lan rừng, cây sâm dây, cây ngũ vị tử; quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh vật đa chức năng để xử lý phế phẩm nông nghiệp làm phân bón; quy trình nhân giống, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, quy trình sản xuất giá thể hữu cơ...
Bên cạnh đó, Trung tâm tiến hành sản xuất các sản phẩm để cung cấp ra thị trường phục vụ sản xuất và đời sống cho nhân dân trên địa bàn. Các sản phẩm đã được đưa ra thị trường gồm: nấm đông trùng hạ thảo (khô, tươi), chế phẩm vi sinh vật, giá thể hữu cơ (dùng để trồng rau, hoa, cây cảnh), cây giống lan kim tuyến, lan hồ điệp, các loại lan rừng (lan giã hạc, nghinh xuân...) bước đầu khẳng định chất lượng, tạo được sự tin tưởng của khách hàng.
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thanh-Giám đốc Trung tâm cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã ký kết và thực hiện 8 hợp đồng cung ứng các dịch vụ khoa học và công nghệ như chuyển giao quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc cây lan kim tuyến; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, cây ăn quả an toàn theo chuỗi giá trị tại huyện Kon Plông; xây dựng mô hình trồng rau an toàn tại huyện Ia H’Drai; xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón tại huyện Sa Thầy; chuyển giao kỹ thuật sản xuất nấm rơm cho một số hộ dân tại xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy); triển khai 16 mô hình trồng lúa nước và bắp lai, 1 mô hình cây đinh lăng, 1 mô hình rau hoa xứ lạnh cho 4 xã tại huyện Đăk Glei...
Đến nay, Trung tâm đã đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuẩn bị đủ nguồn nhân lực để triển khai hoạt động nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến các sản phẩm…
Cũng theo ông Thanh, năm 2020, Trung tâm có thể sản xuất giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô khoảng 200.000 cây/năm và sản xuất các sản phẩm để cung cấp ra thị trường như: nấm đông trùng hạ thảo, chế phẩm sinh học dùng để xử lý phế phẩm nông nghiệp làm phân bón, giá thể hữu cơ dùng để trồng rau hoa...
Đến nay, Trung tâm đã sản xuất và tiêu thụ được hơn 5.000 kg chế phẩm sinh học; 10 tấn giá thể hữu cơ; hơn 50 ngàn cây giống lan kim tuyến; 3.040 cây lan hồ điệp; 1.800 cây cúc Nhật lùn; 2.000 cây trúc Phật bà; gần 3.500 cây lan giã hạc; 10.000 cây ba kích tím, hơn 12 kg nấm đông trùng hạ thảo khô, hơn 3.000 cây dâu tây... Trong 4 năm, từ 2016-2019, Trung tâm đạt doanh thu 7,182 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,564 tỷ đồng.
Phải nói rằng, với chức năng nhiệm vụ của mình, thời gian qua, Trung tâm đã làm tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; hỗ trợ, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; đáp ứng kịp thời yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Hoạt động nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án đã góp phần thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết, đề án của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Văn Thanh nhấn mạnh: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng và 5 nhiệm vụ khoa học-công nghệ cấp tỉnh (thông qua các đề tài, dự án), chú trọng tập trung các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nuôi trồng, bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu các sản phẩm từ các dược liệu đặc thù của tỉnh; nghiên cứu nuôi trồng, phát triển các sản phẩm, giống cây trồng, nấm... có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, đơn vị chú trọng hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ, mô hình tiên tiến vào đời sống, sản xuất; đẩy mạnh hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của của Trung tâm như nấm đông trùng hạ thảo, chế phẩm sinh học, các sản phẩm chế biến từ dược liệu (đảng sâm, đông trùng hạ thảo, lan kim tuyến...), cây giống nuôi cấy mô, các loại lan rừng (giã hạc, nghinh xuân...), giá thể hữu cơ, đóng góp tích cực vào ứng dụng công nghệ cao trong phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững trên địa bàn tỉnh.
Quang Định