Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở Ia H’Drai
Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Ia H’Drai đạt được một số kết quả nhất định, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, diện mạo nông thôn bước đầu có những khởi sắc, tiến bộ…
Nhìn từ xã Ia Tơi
Năm 2015, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Ia Tơi (1 trong 3 xã của huyện Ia H’Drai) có xuất phát điểm thấp, ngành nghề chưa phát triển, hạ tầng cơ sở còn thiếu nhiều so với yêu cầu của tiêu chí xây dựng nông thôn mới; bình quân thu nhập đầu người lúc bấy giờ chỉ đạt 11,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo trên 33,11%; đường giao thông nông thôn mới chỉ cứng hóa được 36,08%, vào mùa mưa đi lại khó khăn, có thôn ô tô chưa đi đến được; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn chỉ đạt 17,81%...
Ông Chế Hồng Quyền - Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Ia Tơi huy động các đoàn thể chính trị - xã hội vào cuộc, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của vấn đề xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
|
Cụ thể, cấp ủy đảng, chính quyền xã Ia Tơi tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp, đa dạng hóa các loại cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, nhằm phá thế độc canh cây cao su trên địa bàn, nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế mang lại; triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng vật nuôi có hiệu quả, năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt.
Song song với phát triển sản xuất nông nghiệp, xã Ia Tơi quan tâm, tạo điều kiện thu hút đầu tư và đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề phụ nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Trên cơ sở đề án, quy hoạch xây dựng nông thôn mới được phê duyệt, với nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, Chương trình 30a… chính quyền xã Ia Tơi thực hiện lồng ghép các nguồn vốn nhằm tạo ra sự tập trung trong đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, đồng thời giải quyết những nhu cầu thiết yếu cơ bản mang tính nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, mang lại hiệu quả đầu tư.
Trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật xã hội, chính quyền xã Ia Tơi cho tổ chức họp, lấy ý kiến nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở, nhằm tạo được sự đồng thuận cao trong dân để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển kinh tế- xã hội…
Sau gần 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, từ một xã vùng biên giới đặc biệt khó khăn về mọi mặt, đến nay, xã Ia Tơi đạt 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (dự kiến cuối năm 2019 đạt 11/19 tiêu chí); thu nhập bình quân đạt 21,7 triệu đồng/người; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,52%; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn đạt 84,7%; xe ô tô đã đi đến được các thôn...
Vượt khó xây dựng nông thôn mới
Ông Trần Quý Phương - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia H’Drai cho biết, không chỉ xã Ia Tơi, khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Ia Dom và xã Ia Đal cũng có xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp độc canh cao su, các loại cây trồng khác phát triển manh mún, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế, địa bàn rộng, các điểm dân cư cách xa nhau…
|
Vượt qua những khó khăn trên, huyện Ia H’Drai triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, thành lập, kiện toàn bộ máy tổ chức xây dựng nông thôn mới; gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, tham gia ý kiến, tự nguyện đóng góp; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền; tùy vào điều kiện của từng xã để lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên và vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách; lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực khác…
Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuy còn bộn bề những khó khăn, nhưng điều đáng nói là cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc và đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân nên đã tạo ra những đổi thay, tiến bộ bước đầu. Đến nay, huyện Ia H’Drai có 2 xã đạt 8/19 tiêu chí (Ia Tơi, Ia Đal) và 1 xã đạt 7/19 tiêu chí (Ia Dom).
Mục tiêu huyện Ia H’Drai đặt ra là phấn đấu đến cuối năm 2020, bình quân đạt 13 tiêu chí nông thôn mới/xã; thu nhập bình quân đạt 19,56 triệu đồng/người; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,75%; 26,5/31,5km đường từ huyện đến xã được nhựa hóa, bê tông hóa; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 93,07%...
Điển hình như cuối năm 2019, các hộ dân ở thôn 9 (xã Ia Tơi) sẽ cùng nhau đóng góp công và kinh phí để sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa và xây dựng sân thể thao của thôn; hay các hộ dân ở thôn 2 (xã Ia Dom) cùng nhau đóng góp công và kinh phí để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên trục đường dài 3km qua thôn…
“Kết quả đạt được chính là động lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ia H’Drai tiếp tục đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để xây dựng nông thôn mới trong những năm tới. Trong đó, mục tiêu chính đến cuối năm 2030, các xã Ia Tơi, Ia Dom và Ia Đal đạt chuẩn nông thôn mới”, ông Trần Quý Phương nói.
Đức Thành