Niềm tin từ những con số
Năm 2023, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ khó khăn chung do sản xuất, tiêu dùng suy giảm ở cả trong và ngoài nước, nhưng kinh tế tỉnh ta vẫn phát triển ổn định, nhiều chỉ tiêu quan trọng tăng cao so với cùng kỳ. Điều này tạo động lực và củng cố niềm tin để các cấp, các ngành chủ động triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm mới 2024 với quyết tâm giành thắng lợi ở mức cao nhất.
Nhìn lại năm vừa qua, chúng ta có thể nhận thấy, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023, khi bắt tay thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của năm, những khó khăn, thách thức bắt đầu xuất hiện và ít nhiều kìm hãm sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Nhưng với quyết tâm cao đưa kinh tế phục hồi và phát triển, tạo đà để phấn đấu hoàn thành mục tiêu kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.
|
Kết quả, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,32%, đứng thứ 22 cả nước và dẫn đầu khu vực Tây Nguyên. Dù chưa cao như kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thì đây thực sự là nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Tăng trưởng được thể hiện trên từng ngành, lĩnh vực với chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Công nghiệp và thương mại tiếp tục khẳng định là những lĩnh vực kinh tế chủ lực có mức tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Theo đó, dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng sản xuất công nghiệp vẫn được duy trì, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022. Tăng trưởng trải đều trên tất cả các nhóm ngành như công nghiệp khai khoáng tăng 15%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8%; sản xuất và phân phối điện tăng 7%; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Hàng hóa của tỉnh xuất khẩu thuận lợi vào các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông, Singapore, Indonesia, Colombia, Đài Loan với tổng kim ngạch thu về ước đạt 359,5 triệu USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng cao so với cùng kỳ năm 2022, khoảng 11,7%.
|
Một trong những điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế của tỉnh năm 2023 là sự phục hồi và khởi sắc của ngành du lịch. Với việc tổ chức đa dạng các hoạt động, chương trình quảng bá du lịch cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tỉnh ta đã thu hút được trên 1,3 triệu lượt khách; bằng 121,75% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu dịch vụ du lịch ước khoảng 520 tỷ đồng, bằng 160,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản xuất nông nghiệp dù phải chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, giá vật tư đầu vào tại một số thời điểm tăng cao, nhưng vẫn duy trì ổn định với tổng giá trị tăng thêm đạt trên 6.623 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022 và tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.
Diện tích các loại cây trồng chủ lực không ngừng được mở rộng, như cây mắc ca trồng mới được 1.159 ha, đạt 115,92% kế hoạch; cây ăn quả trồng mới đạt 2.058 ha, bằng 187,09% kế hoạch; sâm Ngọc Linh trồng mới 638 ha, bằng 127,6% kế hoạch; cây dược liệu khác trồng mới 2.723,2 ha, đạt 302,58% kế hoạch. Về công tác trồng rừng, toàn tỉnh đã trồng mới được 4.929ha rừng, đạt 123,2% kế hoạch.
|
Các đơn vị, địa phương nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới. Dự kiến năm 2023 có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư bằng nhiều phương thức, cách làm phù hợp. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo số liệu và kết quả điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố trong năm 2023, chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum năm 2022 đạt 64,89 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 ước đạt khoảng 27.035 tỷ đồng, tăng 15,51% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, đáng chú ý là nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân có mức tăng cao, tăng 19,28% so với cùng kỳ. Thu hút được 13 dự án đầu tư (ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế) với tổng vốn đăng ký khoảng 2.011 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.
Tuy vẫn còn những tồn tại, hạn chế xuất phát từ cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, nhưng nhìn chung, “bức tranh” kinh tế- xã hội tỉnh năm 2023 có nhiều “gam màu tươi sáng” và được thể hiện qua từng con số “biết nói”. Những kết quả đạt được đó sẽ là niềm tin, động lực để các cấp, các ngành bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024.
|
Tại Nghị quyết số 23-NQ/TU (ngày 05/12/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XVI và tại Nghị quyết số 61/NQ-HĐND (ngày 09/12/2023) của HĐND tỉnh, năm 2024, tỉnh ta xác định một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng như phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 10% trở lên, tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thành lập mới từ 360 doanh nghiệp trở lên, có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu hút 1,7 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh, đồng thời, duy trì Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện các chỉ số về Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính.
Năm 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Dù được dự báo sẽ còn khó khăn và thách thức, song các cấp, các ngành của tỉnh đã thể hiện rõ với quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra. Quyết tâm ấy được thể hiện bằng hành động rất cụ thể là ngay sau Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XII, UBND tỉnh tổ chức họp với các ngành, địa phương để bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2024.
THÙY HƯƠNG