Nhiều “rào cản” trong giải ngân các chương trình MTQG
Vì nhiều lý do, việc giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG trong thời gian qua vẫn gặp những khó khăn, dẫn đến tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Đây chính những “rào cản” cần được “tháo gỡ” để góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển.
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các nội dung, đặc biệt là việc phân bổ, giải ngân nguồn vốn của chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đã các cấp chính quyền và các ngành chức năng tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt. Đến nay, 100% kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán ngân sách Trung ương các năm 2022 và năm 2023 đã được HĐND tỉnh phân bổ, UBND tỉnh giao cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. UBND tỉnh cũng đã chủ động cân đối, bố trí ngân sách địa phương đối ứng thực hiện các chương trình MTQG.
Hiện nay, toàn tỉnh còn khoảng 48,698 tỷ đồng dự toán ngân sách Trung ương các năm 2022, 2023 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững chưa được các huyện giao chi tiết.
Đến ngày 30/9/2023, toàn tỉnh mới giải ngân được khoảng 511/1.037 tỷ đồng, đạt 49,28% kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương trong năm 2023. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài là 206/361,9 tỷ đồng, đạt 56,87% kế hoạch; kế hoạch vốn năm 2023 đạt 305/675,2 tỷ đồng, đạt 45,21% kế hoạch.
Cụ thể, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giải ngân được 267/616,6 tỷ đồng, đạt 43,33% kế hoạch; chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giải ngân đạt 149/269 tỷ đồng, đạt 55,48% kế hoạch và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân đạt 94/151 tỷ đồng, đạt 62,49% kế hoạch.
Kết quả giải ngân vốn các chương trình chậm xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
|
|
Đó là, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách thực hiện các chương trình MTQG từ Trung ương đến địa phương còn chậm làm ảnh hướng đến việc triển khai thực hiện phân bổ, giao kế hoạch vốn, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn. Việc Trung ương phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 chậm, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện các chương trình MTQG.
Dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 được giao vào giữa năm và khá lớn, gây bị động cho địa phương trong xác định nội dung, hoạt động, danh mục dự án đầu tư, kế hoạch vốn đối ứng. Một số nội dung đã quá thời vụ sản xuất như hỗ trợ phát triển sản xuất, trồng rừng hoặc thiếu cơ sở pháp lý để phê duyệt dự án, dự toán chi tiết, dẫn đến không thể triển khai thực hiện, qua đó, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn được giao.
Nhiều nội dung, hoạt động thuộc các chương trình đến nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của các cơ quan Trung ương nên chưa thể phân bổ chi tiết và triển khai thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, 2023 được giao.
Chẳng hạn như Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, ở Dự án 3 - Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, các bộ, ngành Trung ương chưa quy định cụ thể tiêu chí xác định “thời gian chưa tự túc được lương thực”, chưa quy định cụ thể “mức hỗ trợ gạo theo diện tích, số khẩu phù hợp với thực tế địa phương” đối với từng hoạt động lâm nghiệp, chưa quy định “cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng” theo quy định. Hay như việc thực hiện dự án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS cũng gặp khó vì nhiều hộ gia đình không đủ điều kiện, một số trường hợp khác, địa phương không đủ quỹ đất để bố trí quỹ đất; thế nên, không sử dụng hết nguồn kinh phí từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để hỗ trợ chính sách cho các đối tượng này.
Một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của 3 chương trình có sự trùng lắp về mục tiêu, nội dung, đối tượng như nội dung hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm của Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Điều đó, phần nào gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, giải ngân kinh phí được giao, ảnh hưởng đến mục tiêu giải ngân.
Ngoài những nguyên nhân khách quan, phải khẳng định, sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì chương trình và các địa phương có lúc chưa được chặt chẽ, đồng bộ; một số ít địa phương cơ sở chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu sự chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện.
Các chương trình MTQG có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đặc biệt là những huyện nghèo, có đông đồng bào DTTS. Do đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, UBND tỉnh đang tiếp tục đề xuất, kiến nghị các cơ quan Trung ương “tháo gỡ” những bất cập, vướng mắc. Bên cạnh đó, cần sự quyết tâm, nỗ lực hơn nữa của các ngành, địa phương để khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Thùy Hương