Nhà máy nước sinh hoạt thị trân Đăk Tô: Nguyên nhân “đắp chiếu” không phải vì thủ tục đất đai
Chủ đầu tư chưa liên hệ với ngành chức năng, cũng như chưa thực hiện bất kỳ thủ tục nào liên quan đến đất đai, môi trường... là khẳng định của Sở Tài nguyên và Môi trường xung quanh thông tin "nhà máy nước ở huyện Đăk Tô đắp chiếu do chưa được giải quyết thủ tục đất đai" tại văn bản số 1863/STNMT-CCQLĐĐ ngày 21/11...
Trong thời gian gần đây, nhiều báo điện tử phản ánh tình trạng Nhà máy nước sinh hoạt thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) có vốn đầu tư 100 tỷ đồng nhưng "đắp chiếu" gần 3 năm qua "vì chưa xong thủ tục liên quan đến đất đai", dẫn đến tình trạng "dân khát nước, công nhân bị nợ lương dài hạn”.
Sau khi có thông tin trên, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành chức năng, địa phương có liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ quá trình lập thủ tục đất đai của dự án; công khai kết quả và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).
Theo ông A Byot- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, dự án Nhà máy nước sinh hoạt thị trấn Đăk Tô được UBND tỉnh đồng ý chuyển giao cho Công ty Utility Water Thái Lan đầu tư nâng cấp, kinh doanh từ tháng 6/2016 (Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 612/QĐ-UBND ngày 09/6/2016).
Năm 2017, UBND huyện Đăk Tô có văn bản thông báo giới thiệu địa điểm cho Công ty TNHH Utility Water Việt Nam để triển khai thực hiện dự án. Trong văn bản phúc đáp gửi UBND huyện Đăk Tô, Công ty TNHH Utility Water Thái Lan cam kết sẽ cải tạo, nâng cấp dự án từ tháng 7- 9/2018; hoàn thiện các thủ tục thuê đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ tháng 8-10/2018; thanh toán các khoản thuế tài nguyên môi trường và Qũy bảo vệ phát triển rừng.
Trước khi chuyển nhượng cho Công ty TNHH Utility Water Thái Lan, Nhà máy nước sinh hoạt thị trấn Đăk Tô (được xây dựng từ năm 1995) có hệ thống đường ống chính dài khoảng 11km; nước được dẫn về từ suối nước tự nhiên; cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.200 hộ dân, đang ở trong tình trạng xuống cấp.
Quá trình kiểm tra cho thấy, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chính quyền và ngành chức năng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, theo đúng tinh thần thu hút đầu tư, nhất là doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài - ông A Byot nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2018, phía chủ đầu tư mới xây dựng trụ sở làm việc, làm đường, chưa tiến hành các bước đầu tư theo phương án. Ngày 23/10/2018, UBND huyện Đăk Tô ban hành văn bản số 600/UBND-KT gửi Công ty TNHH Utility Water yêu cầu "khẩn trương triển khai cải tạo, nâng cấp nhà máy cấp nước sinh hoạt thị trấn Đăk Tô, hoàn thành trước ngày 31/12/2018. Nếu quá thời hạn trên, UBND huyện Đăk Tô sẽ báo cáo UBND tỉnh và đề nghị thu hồi dự án".
Qua kiểm tra, rà soát, có thể khẳng định rằng, đến thời điểm hiện nay, doanh nghiệp vẫn chưa liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoàn thiện các thủ tục về đất đai, môi trường…, cũng như thanh toán các khoản thuế theo quy định. Như vậy, việc một số báo điện tử thông tin dự án "đắp chiếu" do vướng thủ tục đất đai là thiếu chính xác, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của địa phương - ông A Byot cho biết.
|
Theo thông tin từ phía doanh nghiệp, sở dĩ dự án chậm triển khai là do chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục hải quan để nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Thái Lan về Việt Nam; vướng mắc trong công tác báo cáo tài chính, kiểm toán. Bên cạnh đó, dự án Nhà máy nước sinh hoạt thị trấn Đăk Tô là công trình điểm nên Công ty TNHH Utility Water Việt Nam cẩn trọng triển khai dự án theo 3 giai đoạn.
Ông A Byot cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Đăk Tô làm việc với Công ty TNHH Utility Water Việt Nam để hướng dẫn các thủ tục có liên quan, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc nhằm sớm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án, cung cấp kịp thời nước sinh hoạt cho người dân.
Dự án Nhà máy nước sinh hoạt thị trấn Đăk Tô được UBND tỉnh Kon Tum đã chấp thuận cho Công ty TNHH UTILITY WATER (Vương quốc Thái Lan) tiếp nhận và thực hiện với công suất dự kiến 10.000m3 nước sạch/ngày, đêm.
Dự án có tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng (100% vốn tự có của doanh nghiệp), được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn I (2016-2017) nhận chuyển nhượng dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Đăk Tô hiện có và tiến hành cải tạo, sửa chữa, vốn đầu tư 20 tỷ đồng, công suất 5.400m3/ngày, đêm; giai đoạn 2 (2017-2018) nâng cấp và bổ sung thêm thiết bị để nâng công suất lên 10.000m3/ngày, đêm, vốn đầu tư 80 tỷ đồng.
Đây là dự án cấp nước sinh hoạt quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo mô hình xã hội hóa.
Bài, ảnh: Thành Hưng