Ngon, lạ mứt sâm dây
Không chỉ được bán tươi hoặc khô dùng để ngâm rượu, nấu nước uống, chế biến nước giải khát, Tết Kỷ Hợi 2019 này, từ củ sâm dây còn “trình làng” thêm sản phẩm: mứt sâm dây. Ngon, độc, lạ, bổ dưỡng – mứt sâm dây đã trở thành món ăn được nhiều người dân Kon Tum và các tỉnh, thành lựa chọn thưởng thức trong dịp Tết này.
Hồ hởi đón nhận
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 này, cùng với bánh, kẹo, hạt dưa, hạt dẻ, rồi các loại mứt truyền thống như mứt gừng, mứt dừa, mứt cà rốt, mứt bí đao…, thì nhiều gia đình đã chọn mứt sâm dây để đãi khách.
Thấy là lạ, nhà nào có mứt sâm dây, khách cũng đều chọn thưởng thức trước…
Nhưng, không dừng lại ở lạ. Nhấm nháp miếng mứt sâm dây, ai nấy đều gật gù, độc đáo, ngon, bổ dưỡng, an toàn khi giữ đầy đủ, trọn vẹn hương vị củ sâm dây của núi rừng Ngọc Linh.
|
Nói về mứt sâm dây, chị Sâm ở đường Lê Lợi, TP Kon Tum cho hay, khi nghe bạn bè giới thiệu, trước Tết Kỷ Hợi cả tháng, chị đã tìm mua 1/2 kg, thử ăn cho biết. Cả nhà ai cũng khen ngon, gần Tết chị mua thêm 2kg nữa, trong đó 1kg gia đình chị để chưng lên bàn thờ tổ tiên và đãi khách, còn 1 kg nữa chị gửi về quê ở Quảng Bình. “Giá mứt sâm cũng không quá cao, như chị mua là 350 nghìn đồng/kg, lại đảm bảo tính an toàn, bổ dưỡng và giữ gìn được hương vị sâm dây tự nhiên, nên chị đã chọn để thay thế các loại thực phẩm khác trong dịp Tết này” – chị Sâm nói.
Không chỉ riêng chị Sâm, khá nhiều người hồ hởi với món mứt sâm dây. Theo chị Hiên, nhà ở đường Nguyễn Bặc, TP Kon Tum, thời gian gần đây, từ sâm dây đã có nhiều sản phẩm mới. Nào là rượu sâm dây được ngâm từ sâm dây khô hoặc tươi, nào là lá sâm dây được dùng để nấu canh hoặc nhúng lẩu, nào là nước sâm dây được nấu theo kiểu hãm trà uống hàng ngày, rồi nước sâm dây được đóng lon theo kiểu nước ngọt uống giải khát… Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán này có thêm sản phẩm mứt sâm dây. “Nếu như trước đây, sâm dây chủ yếu được ngâm rượu, chỉ phù hợp với cánh đàn ông, hay nhà nào có điều kiện hơn thì nấu nước theo kiểu như hãm trà uống hàng ngày thì nay có thêm mứt sâm dây, rất phù hợp với chị em phụ nữ và trẻ nhỏ. Như vậy, các sản phẩm được làm từ sâm dây đã hướng đến đối tượng sử dụng đa dạng hơn, đông đảo hơn” – chị Hiên nói.
Như vậy, cùng với các sản phẩm rượu sâm dây, lá sâm dây, nước giải khát sâm dây… và nay thêm mứt sâm dây, cây sâm dây ở vùng núi rừng Ngọc Linh đã có cuộc hành trình kỳ diệu, không chỉ từ làng về phố, mà còn trở thành loại hàng hóa, thực phẩm được nhiều người ưa chuộng, săn đón.
Tín hiệu vui cho người trồng sâm dây
Chị Phạm Thị Mây – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Glei phấn khởi: Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi này, từ sản phẩm sâm dây của “Tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây” ở 2 xã Mường Hoong và Ngọc Linh, chị em phụ nữ đã làm, bán hơn 1 tạ mứt sâm dây với mức giá khoảng 350-400 nghìn đồng/kg (bán lẻ) và 300 nghìn đồng/kg (bán sỉ) cho khách không chỉ trong tỉnh Kon Tum mà còn đưa đi các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Cũng theo chị Mây, cũng như các loại mứt truyền thống khác, mứt sâm dây tương đối dễ làm. Tuy nhiên, để mứt sâm dây giữ nguyên được hương vị của sâm, màu miếng mứt bắt mắt, thời gian bảo quản được lâu (khoảng 2 tháng) và đặc biệt hơn nữa là độ ngọt (vì các thực khách ngày nay rất ngại ăn độ ngọt của các món mứt truyền thống)… buộc người làm phải tính toán tới. Bởi vậy, để đạt được các tiêu chí trên khâu lựa chọn nguyên liệu khá tỉ mỉ. Không nên chọn củ sâm quá già, hay quá non. Loại quá già thì lõi to, bóc lõi mất công, để lõi ăn sẽ bị xơ. Loại quá non thì chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng không cao.
|
Với ưu điểm: nguyên liệu sẵn có, dễ làm, an toàn, bổ dưỡng, nên mứt sâm dây được ưa chuộng ngay từ những ngày đầu ra mắt. “Khi nhận được lời mời tham gia gian hàng tại Ngày phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN và UBND thành phố Kon Tum phối hợp tổ chức năm 2018, tôi đã nghĩ sản phẩm đặc trưng Hội LHPN Đăk Glei là sâm dây. Nhưng, chỉ với sâm dây tươi, khô, rượu sâm dây… thì có vẻ như gian hàng còn đơn điệu. Làm thế nào để giới thiệu đến người tiêu dùng cây sâm dây – thế mạnh của Đăk Glei song phải hướng đến đa dạng các mặt hàng, hướng đến nhiều đối tượng khách hàng và sự tiện dụng trong việc thưởng thức của thực khách? Từ những băn khoăn đó, bất chợt tôi nghĩ, các loại củ quả khác có thể làm mứt được tại sao không thử làm món mứt sâm dây. Nghĩ là làm. Tại Ngày phụ nữ khởi nghiệp Hội LHPN - UBND thành phố Kon Tum tổ chức lần đầu tiên, Hội LHPN huyện Đăk Glei giới thiệu sản phẩm mứt sâm dây (1,5kg để thăm dò và xin ý kiến đóng góp của thực khách). Ai ăn thử cũng khen ngon, lạ” – chị Mây kể.
Tiếp đó, tại Tuần Văn hóa – Du lịch Kon Tum lần thứ 4, năm 2018, được lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo, Phòng Văn hóa Thông tin đặt Hội làm 10 kg mứt sâm dây đi trưng bày, giới thiệu, bán tại gian hàng của huyện và kết quả bán hết trong Tuần lễ.
Từ đó, với hơn 13 ha sâm dây do 103 thành viên “Tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây” ở xã Mường Hoong và Ngọc Linh trồng được, Hội LHPN huyện đã định hướng, kết nối, giới thiệu sản phẩm cho chị em, từ bán sâm củ tươi, khô, lá sâm, cho đến làm mứt…
Đáng mừng hơn nữa là trong dịp Tết Kỷ Hợi, không chỉ chị em phụ nữ thuộc “Tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây” ở xã Mường Hoong và Ngọc Linh, Hội LHPN huyện Đăk Glei làm mứt sâm dây, mà còn dấy lên phong trào làm mứt sâm dây không chỉ trên địa bàn huyện mà cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Người thì làm để tự phục vụ cho nhu cầu gia đình, người thì làm với số lượng lớn để bán cho những người có nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Mứt sâm dây cũng được chế biến với các vị, làm bằng đường kính, đường phèn, mật ong…theo nhu cầu của thực khách. Tùy theo nhu cầu, sở thích của từng người mà các loại mứt sâm dây với nhiều mức giá khác nhau (mứt làm với mật ong có giá cao hơn, trên 500 nghìn đồng/kg).
Khi nhu cầu mua sâm dây để ngâm rượu, nấu nước uống và đặc biệt làm mứt tăng cao thì người nông dân trồng sâm dây trên địa bàn tỉnh (không chỉ chị em ở Mường Hoong, Ngọc Linh) yên tâm hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Chị Mây tâm sự: Sản phẩm mứt sâm dây được người tiêu dùng hồ hởi đón nhận trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi là tín hiệu vui để chị em phụ nữ nói riêng và những người trồng sâm dây ở vùng núi rừng Ngọc Linh nói chung xem đây là động lực để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh: Nguyên Phúc