Ngọc Hồi: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế
Nhiều năm gần đây, phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhất là cây ăn quả được người dân huyện Ngọc Hồi lựa chọn.
Hơn 7 năm trở về trước, anh Nguyễn Văn Minh (ở thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong) không dám nghĩ 3ha vườn cây ăn quả của gia đình mình mỗi năm thu nhập hơn 500 triệu đồng (sau khi đã trừ hết chi phí) như hiện nay. “Quả ngọt” này có được là nhờ anh mạnh dạn phá bỏ diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất để trồng sầu riêng Thái và mít Thái theo hướng hữu cơ.
“Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, gia đình đầu tư chỉ khoảng 12 triệu đồng/ha, ít hơn so với trước đây 30-35 triệu đồng. Đến nay, sầu riêng đã cho thu năm thứ 2, giá sầu riêng Thái bán trên thị trường năm 2023 trung bình từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đem về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Còn mít Thái mỗi năm cũng lãi khoảng 50-80 triệu đồng. So với trước đây, trồng sầu riêng và mít cho thu nhập gấp 2-3 lần cà phê. Trong quá trình trồng, tôi còn tham gia các lớp tập huấn về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón, chăm sóc đúng cách nên vườn cây ngày càng xanh tốt, năng suất tăng cao”- anh Minh chia sẻ.
|
Không chỉ gia đình anh Minh, những năm gần đây, nhiều hộ dân khác ở xã Sa Loong đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để phát huy lợi thế từ nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Thành Lương - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Loong, hiện xã có gần 136ha cây ăn quả, các giống cây ăn quả có lợi thế như sầu riêng, mít, bơ đang thay thế cho cây mì và nhiều diện tích cà phê già cỗi. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân địa phương.
“Cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 4%, hộ cận nghèo hơn 2%. Xã cũng đang xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sản xuất để cùng nhau phát triển nông nghiệp bền vững”- ông Lương cho hay.
Tương tự, tại xã Pờ Y, nhiều diện tích trồng bời lời, mì và lúa không hiệu quả đã được người dân mạnh dạn phá bỏ để trồng cây ăn quả. Từ hướng đi này đã cho hiệu quả kinh tế rõ nét, sản phẩm làm ra có chất lượng và giá trị, năng suất cao, được thị trường ưa chuộng.
Nhiều năm trở lại đây, gia đình anh Lương Văn Hạnh (ở thôn Ngọc Hải, xã Pờ Y) có cuộc sống khấm khá từ khi chuyển đổi sang trồng cà phê xen sầu riêng. Theo anh Hạnh, trước đây, gia đình phần lớn là trồng lúa và bời lời. Sau khi nhận thấy thu nhập từ hai loại cây này không còn ổn định, giá cả bấp bênh nên giữa năm 2018, gia đình anh quyết định vay vốn để chuyển đổi 0,4ha lúa, 1,5ha bời lời và cải tạo thêm hơn 3ha đất trống của gia đình sang trồng cà phê xen sầu riêng. Sau nhiều năm trồng, cà phê của gia đình anh cho thu lãi hơn 400 triệu đồng/năm; còn sầu riêng năm vừa rồi thu bói, đạt trên 10 tấn, lãi hơn 600 triệu đồng.
|
Bên cạnh đó, anh Hạnh còn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2022, anh đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho những gốc sầu riêng nhằm chủ động tưới cho cây khi cần thiết cũng như tiết kiệm công lao động, tiết kiệm lượng nước tưới.
Theo ông Thao Điểng - Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Y, hiện có hơn 40% diện tích cây trồng trên địa bàn xã đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả thành công, hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với chuyển đổi cây trồng, bà con trong xã còn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất và thu nhập. Hiện tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã đã giảm đáng kể, số hộ khá và giàu chiếm hơn 40%.
Ông Ngô Anh Dũng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hồi cho biết, những năm qua, huyện Ngọc Hồi tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong đó, tập trung tuyên truyền người dân đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích đất vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như sầu riêng, nhãn, mít, bơ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền và hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, từng bước hướng đến sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn và kết nối cung cầu, hỗ trợ liên kết chuỗi trong tiêu thụ sản phẩm”- ông Dũng cho biết thêm.
Mai Vàng