Ngọc Hồi: Chuyển biến từ việc thực hiện các chính sách vùng đồng bào DTTS
Hoà chung với không khí náo nức hướng về Đại hội đại biểu các DTTS huyện Ngọc Hồi lần thứ III, chúng tôi đến thăm gia đình ông A Klok, thôn Đăk Tang, xã Đăk Xú.
Trong câu chuyện thân tình, A Klok kể: Gia đình tôi có cuộc sống như ngày hôm nay một phần là nhờ chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS của Đảng, Nhà nước. Ngày trước, người dân nơi đây khổ lắm, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế và xây dựng đời sống, người dân mới có cuộc sống ổn định, kinh tế hộ gia đình phát triển, từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Các chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân như: xây dựng đường giao thông, trường lớp, hỗ trợ học tập cho con em, điện chiếu sáng, chăm sóc sức khoẻ cho người dân; hỗ trợ cây, con giống, vốn phát triển sản xuất... Bản thân A Klok cũng được Nhà nước nuôi ăn học, trưởng thành. Khi nghỉ hưu về tham gia cùng với gia đình phát triển kinh tế, ông được Nhà nước cho vay vốn mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình ông phát triển 7ha cà phê, 8ha cao su, trong đó có 6ha cà phê, 4ha cao su đưa vào kinh doanh... Doanh thu từ cà phê, cao su của gia đình ông hàng năm hàng tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng chục lao động.
|
Nói về sự vươn lên của bà con DTTS Ngọc Hồi thì có nhiều. Ở xã Đăk Xú có ông A Xem (thôn Chiên Chiếc); xã Bờ Y có ông Thao Nhất (làng Iệc), Quách Công Son (làng Bắc Phong)... là những tấm gương trong phát triển kinh tế.
Không chỉ phát triển kinh tế, thông qua việc thực hiện các chính sách dân tộc, người dân được các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện phát triển các nghề truyền thống và bảo tồn các giá trị văn hoá của các dân tộc tại chỗ.
Đến làng Đăk Ba, xã Đăk Dục chúng tôi thấy các chị em Giẻ-Triêng miệt mài bên khung dệt thổ cẩm. Chị Y Dằn khoe: Khung dệt này do Nhà nước hỗ trợ. Từ ngày có khung dệt, mình cũng như nhiều chị em trong làng thành lập tổ dệt thổ cẩm. Sản phẩm thổ cẩm sản xuất ra được gia đình dùng và bán cho dân trong làng. Có sản phẩm thổ cẩm, người Giẻ-Triêng không sợ mất bản sắc văn hoá.
Không còn là nỗi niềm trăn trở như trước, bà Y Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục khẳng định, việc thực hiện các chính sách khôi phục giá trị truyền thống như mở các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, đánh cồng chiêng và chơi nhạc đinh tút; hỗ trợ khung dệt thổ cẩm cho chị em... đang phát huy hiệu quả. Người dân các làng khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm, biết đánh cồng chiêng, chơi nhạc đinh tút... Xã Đăk Dục đã thành lập 2 tổ dệt thổ cẩm làng Đăk Răng và Đăk Ba. Qua việc khôi phục lại các giá trị văn hoá, làng Đăk Răng, Đăk Ba... trở thành điểm đến của khách du lịch.
|
Theo ông Vương Văn Tuyên- Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi, không tính khoảng thời gian trước, qua 5 năm thực hiện các chính sách dân tộc (kể cả các chương trình mục tiêu quốc gia), tổng nguồn vốn Nhà nước đầu tư trên địa bàn hơn 250 tỷ đồng. Từ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện khoảng 30%, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 5,88% (giảm 8,36% so với năm 2014). Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục hoàn thiện, đời sống người dân được nâng lên một bước.
Các xã hiện nay đều có đường nhựa đến trung tâm xã, đường bê tông đến các thôn và đến khu sản xuất; 100% số xã cơ bản có hệ thống thuỷ lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu trong sản xuất; 3 xã (Đăk Nông, Đăk Kan, Pờ Y) đạt chuẩn nông thôn mới.
Trên lĩnh vực văn hoá- xã hội, so với năm 2014, hiện nay, toàn huyện Ngọc Hồi có 20/36 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tăng 31%; 7 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, tăng 87%. Chất lượng dạy, học được nâng lên. Việc chăm sóc sức khoẻ cho dân có những chuyển biến tích cực.
Các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát... tiếp tục được khôi phục ở nhiều nơi. Các giá trị văn hoá như múa xoang, cồng chiêng và các loại nhạc cụ khác của các dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy; các hủ tục được xoá bỏ.
Vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số được coi trọng... An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững ổn định.
Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã góp phần củng cố thêm niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và đặt nền móng quan trọng cho địa phương phát triển kinh tế- xã hội mạnh hơn nữa trong những năm tới.
Văn Nhiên