Ngân hàng Chính sách xã hội Kon Tum: Để chính sách vay ưu đãi của Nhà nước phát huy hiệu quả
Với mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội, trong 16 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Kon Tum đã triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi, giúp nhiều hộ gia đình có thêm vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh lại chính thức triển khai chương trình mới (theo chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam) là cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100 của Chính phủ. Lãi suất cho vay của chương trình này là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Đối tượng được vay vốn là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Như vậy, từ cho vay hộ nghèo đến cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay con em các gia đình khó khăn có điều kiện học tập; cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; cho vay nước sạch nông thôn và môi trường; cho vay mua, xây dựng nhà cho người nghèo đô thị... đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quản lý 18 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi. Những sản phẩm dịch vụ đã giúp khách hàng làm quen với kinh tế thị trường, có vay có trả, mạnh dạn vay vốn nâng cao năng lực sản xuất, học hỏi cách làm ăn hiệu quả cao hơn, tiến tới chịu được lãi suất tiệm cận thị trường.
|
Tính đến tháng 8/2018, tổng dư nợ của đơn vị đạt 2.222,5 tỷ đồng, với tổng số 12.827 lượt khách hàng vay; tỷ lệ nợ quá hạn chiếm khoảng 0,35%. Riêng doanh số cho vay từ đầu năm đến nay là 362 tỷ đồng, trong đó khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Kết quả, vốn tín dụng chính sách góp phần giúp 53.043 hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 38,63% xuống 16,34% (giai đoạn 2006- 2010); từ 33,36% xuống 10,26% (giai đoạn 2010- 2015); năm 2017 giảm từ 23,03% xuống còn 20,30% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.
Ông A Đéc ở thôn Bring xã Đăk Long (huyện Kon Plông) cho biết, ông vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua kênh Hội Nông dân để nuôi trâu. Nhờ chịu khó làm ăn, tiết kiệm, từ 02 con trâu ban đầu, đến nay, đàn trâu của gia đình ông phát triển thành 8 con. Không chỉ vượt qua cuộc sống đói nghèo, mà gia đình ông còn xây được ngôi nhà cấp 4 khang trang, mua sắm các đồ dùng gia đình như tivi, xe máy…; cho con cái học hành; tái đầu tư và mở rộng sản xuất làm 0,5ha lúa nước, trồng 2ha mì. Nhờ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, gia đình ông từng bước thoát nghèo.
Ông Nguyễn Minh Thuận- Chủ tịch UBND xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) cho biết, là một trong những xã có vùng lòng hồ Ya Ly và Plei Krông, từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương vận động người dân tận dụng, khai thác lợi thế vùng đất bán ngập để sản xuất các loại cây trồng phù hợp nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, nhờ đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nghèo ở Sa Bình chuyển đổi cây trồng, phát triển chăn nuôi, nhất là phát triển chăn nuôi bò. Nhiều hộ nghèo Sa Bình vươn lên thoát nghèo chính nhờ đầu tư phát triển sản xuất và chăn nuôi.
Ông Lê Danh Thứ- Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh cho biết: Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể, đưa nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng. Chi nhánh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức ủy thác, chính quyền địa phương, tăng cường công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn các tổ vay vốn để nâng cao hiệu quả của nguồn vốn. Bên cạnh nguồn vốn tín dụng chính sách, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền và các hội, đoàn thể địa phương trong việc đưa ra giải pháp, hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo rất quan trọng. Thực tế cho thấy, ở đâu lãnh đạo địa phương và các ngành quan tâm, ở đó tín dụng chính sách hiệu quả. Với sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống, chất lượng tín dụng cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.
16 năm qua, đằng sau những con số này không chỉ là thành quả của cách thức cung cấp dịch vụ tín dụng mà còn chứa đựng sự tâm huyết của cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong quá trình triển khai hiệu quả các chính sách đó trên địa bàn tỉnh.
Dương Lê