Nâng tầm giá trị dược liệu, người dân, doanh nghiệp hưởng lợi
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa tỉnh trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.Đây cũng là bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển Tây Nguyên tại Kon Tum.
Từ tài nguyên đất đai, khí hậu sẵn có, cộng với quyết tâm của tỉnh, Kon Tum có cơ hội lớn để phát triển thành vùng dược liệu quốc gia. Thực tế là nhiều năm trước đây, tỉnh đã nhận ra giá trị dược liệu nên đã chủ động có nhiều chính sách khoanh nuôi, bảo tồn, đầu tư, phát triển. Tỉnh cũng xây dựng tầm nhìn, lộ trình nâng tầm cây dược liệu. UBND tỉnh đã ban hành quyết định 871 về phê duyệt đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mới đây là kế hoạch số 2232 nhằm sớm đưa tỉnh thành vùng trồng dược liệu trọng điểm quốc gia để cụ thể hóa Nghị quyết 14 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp được tỉnh giao thực hiện là tăng cường thu hút doanh nghiệp lớn, uy tín để liên doanh, liên kết với người dân trồng và tiêu thụ dược liệu; đưa dược liệu trở thành yếu tố thu hút khách du lịch; tận dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu dược liệu.
|
Tu Mơ Rông là vùng trồng dược liệu lớn của tỉnh. Huyện xác định Nghị quyết 14 của Tỉnh uỷ về đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu và kế hoạch số 2232 của UBND tỉnh là kim chỉ nam để phát triển, nâng tầm cây dược liệu. Những năm qua, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đưa ngành dược liệu phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có. Đó là truyền thông mạnh mẽ giá trị dược liệu để dân chuyển đổi trồng; kết nối các nguồn vốn vay ưu đãi để dân có nguồn lực phát triển. Khi người dân nhận ra giá trị dược liệu, huyện tổ chức các hội chợ sâm; hội thảo phát triển dược liệu; hội thi ẩm thực từ nguyên liệu cây sâm dây; trao giải và khuyến khích các đội thi quảng bá món ăn từ dược liệu trên nền tảng mạng xã hội; kêu gọi đầu tư vào dược liệu; hoàn thiện thủ tục để thành lập làng du lịch cộng đồng; xây dựng các sản phẩm du lịch với đặc sản là tham quan vườn dược liệu; quyết liệt đấu tranh chống sâm giả thông qua việc hình thành tổ chống sâm giả, phối hợp tổ chức nhận diện sâm Ngọc Linh tại các Phiên chợ sâm và tại Hà Nội. Nhờ triển khai đồng bộ, bài bản mà dược liệu Tu Mơ Rông đã có nhiều tín hiệu vui.
Đó là một vùng dược liệu đã hình thành với diện tích hơn 3.000ha. Dược liệu Tu Mơ Rông đa dạng, nhiều loại như sâm Ngọc Linh, sâm dây, lan kim tuyến, sơn tra, ngũ vị tử, đương quy được chế biến thành thực phẩm, nước uống, rượu, nước giải khát với hàng chục sản phẩm OCOP 3, 4 sao, nhiều sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao. Những loại này hiện đã có thương hiệu, được cộng đồng khắp nơi biết đến, chọn sử dụng để nâng cao sức khỏe.
Huyện sở hữu một sản phẩm du lịch độc nhất vô nhị là du lịch tham quan vườn sâm Ngọc Linh. Năm 2023, trong số 10.000 khách du lịch đến huyện trải nghiệm, đa phần đều đến tham quan vườn sâm, thác Siu Puông. Nhờ đó, người dân đã bán được sâm với giá cao, còn du khách được tham quan nơi trồng sâm, tận tay mua đúng sâm thật.
Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngoài tỉnh đã vào huyện khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong đó, có doanh nghiệp đã được tỉnh cho chủ trương đầu tư hàng nghìn héc ta. Năm 2023, có hơn 10 doanh nghiệp tiếp tục khảo sát, lập dự án đầu tư, trong đó có Công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh (Bidrico) vào liên kết, thu mua, mở nhà máy chế biến dược liệu.
|
Một thành tựu quan trọng không kém là dân đã thấy được giá trị cây dược liệu cũng như quyết sách đúng đắn của tỉnh về phát triển loại cây này. Bởi thế mới có chuyện, nếu như trước kia, dân chưa mặn mà thì nhiều năm nay đã mạnh dạn vay vốn, bán trâu bò đầu tư dược liệu. Đơn cử như năm 2022, vốn vay đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh của dân bằng 5 năm trước cộng lại.Năm 2023, người dân tiếp tục vay 94 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2022 để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Thành quả mang lại là người Xơ Đăng thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm, từ chỗ trông chờ, ỷ lại nguồn lực nhà nước hỗ trợ thành chủ động đầu tư để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trở thành tỷ phú. Có hộ chỉ riêng tiền bán hạt sâm, có năm thu được 10 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, ngoài việc mở rộng diện tích trồng, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để nâng tầm giá trị dược liệu. Trong đó, sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư lớn đến đầu tư, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng sản phẩm dược liệu chất lượng cao để xuất ngoại.
Gần nhất là sự kiện Festival sâm Ngọc Linh Kon Tum lần thứ I do tỉnh tổ chức. Huyện đã có kế hoạch tham gia, trong đó, có nhiều hoạt động tôn vinh dược liệu như xác lập kỷ lục nhiều món ăn chế biến từ dược liệu; hội thi ẩm thực; Hội thảo bàn về giá trị sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam; bán các sản phẩm dược liệu. Song song với đó, huyện sẽ tổ chức trao giải cho các đội tích cực quảng bá giá trị dược liệu trên nền tảng mạng xã hội. Hoạt động này nhằm hướng đến việc giúp người dân chủ động tận dụng lợi thế các kênh truyền thông để quảng bá, bán sản phẩm dược liệu. Đây cũng là một bước đi để thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh của đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Tu Mơ Rông nói riêng đã có nhiều hoạt động đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhà đầu tư trên toàn tỉnh, hướng đến gỡ khó cho doanh nghiệp. Quan điểm từ trước đến nay của địa phương là luôn cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư đến địa bàn đầu tư. Để thực sự trở thành trung tâm sản xuất dược liệu thì cần làm tốt hơn nữa chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư cũ cũng như trải thảm cho nhà đầu tư cũ và nhà đầu tư mới. Như vậy, doanh nghiệp sẽ toàn tâm toàn ý liên kết với dân, cùng bắt tay dân khai phá tiềm năng của vùng đất, cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên dược liệu quý báu.
VÕ TRUNG MẠNH