Nâng cao vai trò của Quỹ tín dụng nhân dân
Trong những năm qua, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh được thành lập từ tháng 2/1996, đến nay có 5 Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động (Vinh Quang, Quang Trung, Quyết Thắng, Hòa Bình và thị trấn Đăk Hà). Tổng cộng ở các quỹ có 3.607 thành viên. Các thành viên tham gia tiếp tục phát triển vốn điều lệ, vốn huy động và tổng dư nợ tăng trưởng ổn định, nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp, kết quả kinh doanh đều có lãi.
Về nguồn vốn huy động từ dân cư đạt 146,355 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2018. Trong đó, tiền gửi trong thành viên là 97,951 tỷ đồng, chiếm 66,9%; tiền gửi ngoài thành viên là 48,404 tỷ đồng, chiếm 33,1% tổng số tiền gửi. Vốn huy động từ Ngân hàng Hợp tác xã Chi nhánh Gia Lai đạt 44,678 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2018.
Tổng dư nợ cho vay tính đến 28/2/2019 của các quỹ đạt 188,56 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2018. Trong đó, dư nợ trong thành viên là 187,389 tỷ đồng, chiếm 99,3% tổng dư nợ; dư nợ ngoài thành viên là 1,18 tỷ đồng chiếm 0,7% tổng dư nợ. Các Quỹ tín dụng nhân dân sử dụng vốn đều có hiệu quả, có khả năng thu hồi nợ cao. Tất cả các món vay đều có tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, cầm cố sổ tiền gửi tiết kiệm.
Quá trình phát triển, các Quỹ tín dụng nhân dân đã có những đóng góp quan trọng vào việc khai thác nguồn vốn tại chỗ, đáp ứng nhu cầu về vốn cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống của thành viên, thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm, an sinh xã hội, giảm nghèo và góp phần hạn chế cho vay nặng lãi trên địa bàn.
Bà Huỳnh Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân Vinh Quang cho biết: Đến nay, quỹ đã huy động tiền gửi được 53,577 tỷ đồng; cho vay trong thành viên 57,983 tỷ đồng. Thời gian qua, quỹ đã tập trung huy động nguồn vốn tại chỗ để cho vay, đáp ứng kịp thời cho thành viên vay phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong quá trình vay vốn, các thành viên luôn có ý thức sử dụng vốn vay đúng mục đích đưa lại hiệu quả tốt, trả nợ lãi và gốc đúng kỳ hạn. Năm 2018, quỹ đạt mức lãi sau thuế hơn 400 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước 82 triệu đồng. Trong thời gian tới, quỹ tiếp tục bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh huy động vốn để đầu tư cho nhân dân vay đầy đủ, kịp thời hơn nữa nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa đời sống của các thành viên ngày càng nâng lên.
|
Còn bà Võ Thị Lam Vân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân Hòa Bình cho biết: Hoạt động của quỹ mở rộng tại phường Trần Hưng Đạo, phường Lê Lợi, xã Hòa Bình, xã Chư Hreng. Quỹ tín dụng nhân dân Hòa Bình tích cực huy động vốn thông qua nhiều hình thức, nhờ vậy đã tạo được nguồn vốn khá lớn để cho vay phát triển sản xuất và phục vụ đời sống. Đến nay, nguồn vốn của quỹ đạt hơn 45 tỷ triệu đồng, cho vay hơn 40,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay của quỹ, người dân đầu tư phát triển các ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Với lợi thế sát dân, hiểu rõ nhu cầu, khả năng kinh doanh, tài chính của từng hộ vay nên việc cho vay của quỹ kịp thời, nhanh gọn và bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Ông Hoàng Minh Tân - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đánh giá: Trong thời gian qua, dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, hoạt động của các quỹ được đánh giá cao, có hiệu quả, đúng tôn chỉ, mục tiêu hoạt động của mô hình Quỹ tín dụng nhân dân, góp phần hỗ trợ sự phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ các thành viên cải thiện đời sống, phát triển sản xuất kinh doanh, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Ông Hoàng Minh Tân khẳng định, mô hình Quỹ tín dụng nhân dân là một mô hình hiệu quả, uy tín, được cộng đồng dân cư đánh giá cao. Đây cũng là kênh tín dụng vi mô an toàn, góp phần xóa nạn cho vay nặng lãi và tín dụng đen trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên, việc phát triển Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn còn hạn chế, chưa tạo độ che phủ rộng. Tiềm lực tài chính của nhiều quỹ chưa lớn nên sức cạnh tranh chưa cao…
Để nâng cao vai trò Quỹ tín dụng nhân dân hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo và giám sát việc điều chỉnh hoạt động nhằm tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của mô hình kinh tế hợp tác xã, bảo đảm hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, có sự tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xóa đói, giảm nghèo và đẩy lùi cho vay nặng lãi trên địa bàn.
Dương Lê