Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới
Trong những năm qua, thành phố Kon Tum huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và vận động người dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, góp phần đổi thay bộ mặt nông thôn trên địa bàn...
Huy động sức mạnh tổng hợp
Đến nay, thành phố Kon Tum có 11/11 xã đạt chuẩn 5 tiêu chí: tiêu chí số 01 về quy hoạch, tiêu chí số 03 về thủy lợi, tiêu chí số 04 về điện, tiêu chí số 08 về thông tin và truyền thông, tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên.
Tổng số tiêu chí đạt chuẩn là 155 tiêu chí/11 xã, bình quân mỗi xã có 14,09 tiêu chí đạt chuẩn.
Đặc biệt, đến nay, thành phố đã có 4 xã là Đoàn Kết, Ia Chim, Hòa Bình, Đăk Năng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 5 xã là Vinh Quang, Đăk Cấm, Chư Hreng, Kroong, Đăk Blà đạt chuẩn 10-14 tiêu chí, 2 xã là Ngọc Bay và Đăk Rơ Wa đạt 5-9 tiêu chí. So với các địa phương khác, thành phố Kon Tum hiện có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất tỉnh.
Phải khẳng định rằng, có được kết quả trên là nhờ sự đồng tâm hiệp lực, sự đoàn kết, nỗ lực của mỗi người dân và sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của thành phố.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, thành phố Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; biểu dương, khuyến khích kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến, những mô hình, cách làm hay trong công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới…
Thành phố Kon Tum cũng chủ động, linh hoạt ưu tiên các nguồn vốn, đồng thời huy động được nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nông thôn. Cụ thể, trong 3 năm (giai đoạn 2016-2018), tổng kinh phí huy động Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 11 xã của thành phố hơn 189 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương gần 23 tỷ đồng, ngân sách địa phương và lồng ghép hơn 48 tỷ đồng; vốn tín dụng gần 77 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hơn 36 tỷ đồng và vốn người dân đóng góp, cùng một số nguồn vốn khác hơn 5,3 tỷ đồng...
|
Mục tiêu của Chương trình Xây dựng nông thôn mới chính là làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn và đặc biệt là nâng cao đời sống của nhân dân. Vì vậy, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm được thành phố tập trung chỉ đạo.
Cụ thể, thành phố chỉ đạo các xã phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế phù hợp với thực tiễn của địa phương; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, đưa cây trồng có giá trị cao vào sản xuất nông nghiệp; hình thành các tổ liên kết, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất… nhằm giúp người dân thoát nghèo, từng bước nâng cao thu nhập. Vì vậy, đến nay, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của thành phố là 23,084 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm còn gần 4%.
Phấn đấu có 55% số xã đạt chuẩn vào năm 2020
Ông Nguyễn Xuân Ninh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: Thành phố phấn đấu có 55% số xã đạt chuẩn vào năm 2020. Bởi vậy, trong thời gian tới, thành phố xây dựng kế hoạch rà soát lại toàn bộ hệ thống các tiêu chí của từng xã; những tiêu chí nào đã đạt thì tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng; những tiêu chí chưa đạt thì phân công cán bộ, công chức, các cơ quan phụ trách kết nghĩa cùng với xã và thôn tiếp tục đề ra các giải pháp thực hiện. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia xây dựng xã nông thôn mới.
Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới như xã Đoàn Kết, Ia Chim, Hòa Bình, Đăk Năng, thành phố Kon Tum chỉ đạo tiếp tục xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn theo từng năm; đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời, sâu sát; có kiểm tra, giám sát, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay từ thôn, xóm...
Thành phố Kon Tum cũng tập trung các nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm củng cố, giữ vững và phát triển bền vững các tiêu chí, các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm nông thôn mới luôn phát triển ổn định, bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn; tiếp tục phát triển toàn diện nông nghiệp đi vào chiều sâu, theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững….
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh quy hoạch, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức xã đạt chuẩn; xây dựng Đảng bộ, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch vững mạnh”. Và đặc biệt, lãnh đạo cấp ủy được phân công phải thường xuyên xuống thôn phụ trách để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới... nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phúc Nguyên