Mô hình “Tổ liên kết sản xuất, kinh doanh lúa, gạo thơm Đăk La”
Mặc dù mới được thành lập nhưng Tổ liên kết sản xuất, kinh doanh lúa, gạo thơm Đăk La của Chi hội phụ nữ thôn 2, xã Đăk La (huyện Đăk Hà) đã khẳng định được hiệu quả của mô hình. Không chỉ giúp tăng năng suất, Tổ liên kết còn đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định, góp phần xây dựng thương hiệu lúa, gạo thơm Đăk La - sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Đưa chúng tôi ra tham quan cánh đồng lúa đang trổ bông trĩu hạt, chị Bùi Thị Tịnh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 2, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất, kinh doanh lúa, gạo thơm Đăk La phấn khởi: Ước tính vụ mùa năm nay, ruộng lúa của chị em phụ nữ trong Tổ liên kết cho năng suất sẽ rất cao, bình quân từ 8-9 tạ tươi/sào nên chị em rất vui mừng.
Chị Tịnh cho biết, với mong muốn xây dựng thương hiệu gạo thơm Đăk La, từ tháng 5/2018, được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương và các cấp hội phụ nữ, chi hội phụ nữ thôn đã vận động 12 hội viên trong chi hội có diện tích ruộng liền kề nhau thống nhất xây dựng mô hình Tổ liên kết sản xuất, kinh doanh lúa, gạo thơm Đăk La với diện tích 5,7 ha.
Chị Hồ Thị Ngọc Huyền, thành viên Tổ liên kết vui mừng: “Trước đây, ruộng lúa của các gia đình trong vùng chỉ sản xuất nhỏ lẻ, kiểu mạnh ai nấy làm, không theo một quy trình kỹ thuật nào. Bây giờ, được tham gia vào Tổ liên kết, các thành viên đều được chia sẻ kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh trên cây lúa nên chúng tôi rất phấn khởi”.
|
Ngoài việc cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, các thành viên trong Tổ còn cam kết thực hiện theo phương châm “3 cùng” (cùng giống lúa, cùng gieo trồng và chăm sóc, gặt cùng thời điểm) và sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm.
Vào thời điểm cuối tháng 6, sau khi thu hoạch vụ đông xuân, Tổ liên kết đã họp, bàn bạc, cùng chọn 2 loại giống lúa RVT và giống Đài Thơm để gieo trồng trong vụ mùa. Đồng thời, các thành viên trong Tổ cũng đã lên kế hoạch xuống giống cùng ngày và gặt cùng thời điểm.
Trong quá trình xuống giống, ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, cách phòng trừ sâu bệnh, các thành viên còn giám sát lẫn nhau trong việc chấp hành sản xuất an toàn. “Chúng tôi chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh chứ không sử dụng thuốc hóa học. Từ lúc xây dựng mô hình Tổ liên kết đến nay, các thành viên trong Tổ đều chấp hành nghiêm điều này” - chị Tịnh khẳng định.
Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, chị Trần Thị Phúc - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk La, thành viên Tổ liên kết đã đứng ra đảm nhiệm vai trò thu mua sản phẩm và quảng bá, cung ứng ra thị trường.
Chị Phúc cho biết, việc thu mua lúa của các thành viên trong Tổ liên kết được thực hiện theo giá thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và trích lại một phần quỹ để Tổ hoạt động hiệu quả. “Điều phấn khởi là hiện nay, chị em phụ nữ trong Tổ liên kết luôn hướng đến việc sản xuất lúa gạo an toàn, chất lượng nên rất thuận lợi để chúng tôi quảng bá, giới thiệu rộng rãi ra thị trường thương hiệu lúa, gạo thơm Đăk La” - chị Phúc nói.
Từ chỗ không phải lo nghĩ đầu ra cho sản phẩm, các thành viên trong Tổ liên kết rất an tâm sản xuất. “Việc sản xuất đồng loạt: cùng giống, cùng sạ, cùng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cùng gặt đã giúp chúng tôi chủ động trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, nhờ đó lúa phát triển tốt, trổ hạt đều, chắc. Chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ thực hiện sản xuất liên kết như thế này” - anh Trần Văn Minh, chồng chị Lâm Thị Thu Thương (thành viên Tổ liên kết) chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất lúa thương phẩm, các thành viên trong Tổ liên kết cho biết đang hướng đến việc sản xuất giống lúa thuần chủng mang thương hiệu Đăk La. “Hiện tại giá giống lúa nguyên chủng rất cao, chính vì vậy, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ giống lúa nguyên chủng để Tổ liên kết thử nghiệm, tiến tới sản xuất lúa giống phục vụ cho bà con trên địa bàn” - chị Tịnh nói.
Chị Trần Thị Phúc - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk La còn tiết lộ thêm: “Hội phụ nữ xã đang định hướng nâng mô hình Tổ liên kết lên thành mô hình Tổ hợp tác, giúp chị em trong Tổ liên kết sản xuất hiệu quả hơn, tăng thu nhập cao hơn, đồng thời góp sức xây dựng thương hiệu lúa, gạo thơm Đăk La thành sản phẩm đặc trưng của xã”.
Bài, ảnh: Bình An