“Mì cán bộ”
Những năm gần đây, người nông dân trên địa bàn huyện Sa Thầy và nhiều địa phương khác trong tỉnh thường hay nhắc đến tên một giống mì mới cho năng suất cao là “mì cán bộ”. Tên gọi là thế nhưng hẳn nhiều người vẫn chưa biết tên gọi này bắt đầu từ đâu…
Đảng viên đi trước…
Cách đây 10 năm, khi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy phối hợp với một công ty giống cây trồng ở tỉnh Đồng Nai đưa giống cây mì KM-140 về trồng thí điểm 15ha trên vùng đất xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) thì nhiều người dân ái ngại, không mấy ai mặn mà tham gia. Nhiều người lo ngại, nếu đưa giống mì mới về trồng thí điểm phải mất cả năm trời nhưng nếu không đạt năng suất thì gia đình sẽ rơi vào cảnh thiếu ăn.
Trước sự hoài nghi, lo lắng của người dân, lúc bấy giờ, UBND xã Sa Bình đã vận động người dân có nhiều đất canh tác nên dành lại một phần diện tích đất nhất định để đăng ký tham gia trồng thí điểm giống mì mới. Cách làm này của chính quyền địa phương là thông qua hiệu quả thực tế năng suất thu hoạch từ giống mì mới để tuyên truyền, thuyết phục người dân làm theo. Nhưng đáng nói là ở thời điểm này, không phải hộ dân nào cũng mạnh dạn chuyển đổi.
Để người dân tự tin tham gia chuyển đổi giống mì mới, UBND xã Sa Bình vận động cán bộ xã, cán bộ ở các thôn, làng trồng thí điểm giống mì mới KM-140 trên diện tích đất canh tác của gia đình mình. Chưa biết hiệu quả của giống mì mới như thế nào, nhưng với tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhiều cán bộ xã Sa Bình lúc bấy giờ hăng hái đăng ký tham gia trồng thí điểm.
Vượt qua khó khăn
Sau hơn một năm trồng và chăm sóc, đến kỳ thu hoạch, hầu hết diện tích mì người nông dân trồng năng suất không cao. Trong khi đó, phần diện tích mì do cán bộ xã Sa Bình tham gia trồng thì năng suất lại vượt trội hơn so với các giống mì truyền thống khác.
Phó Chủ tịch UBND xã Sa Bình - Trần Văn Hữu cho biết: Xã tìm hiểu nguyên nhân và xác định, người dân đưa giống mì mới KM-140 vào trồng thí điểm kém hiệu quả là do ngay từ lúc đầu người dân đã không tin có giống mì nào năng suất cao hơn giống mì đọt tím cũ KM-94; vì vậy người dân gieo trồng rồi để đó cho có mà không quan tâm, chăm sóc. Trong khi đó, hầu hết diện tích mì của cán bộ xã Sa Bình tham gia nhận trồng thì lại đạt năng suất rất cao. Chính vì thế nên chính quyền xã Sa Bình cương quyết không bỏ cuộc và vận động người dân tiếp tục trồng giống mì mới KM-140...
Lần này, UBND xã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp “xắn tay vào cuộc” ngay từ khâu trồng, chăm sóc để cây mì giống mới này thật sự đem lại hiệu quả, thuyết phục người dân chuyển đổi giống mì trên đồng đất địa phương, góp phần nâng cao thu nhập.
Trước khi bước vào mùa vụ mới, UBND xã Sa Bình vận động bà con nông dân nên tiếp tục đưa giống mì mới KM-140 vào trồng và cử cán bộ xuống tận rẫy bà con giúp đỡ giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, canh tác... Chính nhờ sự nhiệt tình của cán bộ xã Sa Bình hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc mì đúng cách nên vụ mùa năm sau năng suất giống cây mì KM-140 vượt trội, hơn hẳn các giống mì truyền thống trước đây. Tên gọi “mì cán bộ” bắt nguồn từ đó.
“Đất không phụ công người”
Ông Trần Văn Sinh ở thôn Bình Giang (xã Sa Bình) - một trong những cán bộ đầu tiên của xã Sa Bình lúc bấy giờ tiên phong trong việc đưa giống mì mới KM-140 vào trồng trong diện tích đất rẫy nhà mình, cho biết: Thời điểm lúc bấy giờ tôi đang là cán bộ thống kê xã phụ trách lĩnh vực nông nghiệp. Trước đó, gia đình tôi cũng như hầu hết người nông dân xã Sa Bình đều trồng giống mì đọt tím KM-94 vì giống mì này năng suất cao nhất vào thời điểm đó. Năm 2009, khi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy phối hợp với UBND xã Sa Bình triển khai trồng thí điểm 15ha giống mì KM-140 xa lạ hoàn toàn nên bản thân tôi và người dân đều ái ngại, lo lắng. Lo lắng thế, nhưng thực hiện chủ trương của UBND xã là cán bộ phải gương mẫu làm trước để người dân học tập làm theo, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 5.000m2 đất trồng giống mì cũ sang trồng giống mì mới.
“Và “đất không phụ công người”, sau 1 năm trồng và chăm sóc, đến kỳ thu hoạch, năng suất giống mì mới KM-140 đã mang lại hiệu quả ngoài sự mong đợi. Nếu so với giống mì KM-94 thì bình quân mỗi hécta giống mì mới KM-140 cho năng suất cao hơn từ 20 - 30 tấn và lượng tinh bột cũng cao hơn. Chính do năng suất mang lại hiệu quả rõ rệt, nên 10 năm nay gia đình tôi luôn trồng giống “mì cán bộ” này. Thấy giống mì mới cho năng suất cao nên nhiều hộ gia đình trong thôn cũng đã đến xin giống mì mới của gia đình tôi về trồng” - ông Sinh nói.
|
Ưu điểm của giống mì KM-140 là ít bị bệnh thoái hóa củ và bệnh chổi rồng như nhiều giống mì trước đây, khi thu hoạch củ lại ít bị đứt nên thu hoạch nhanh hơn; đặc biệt, giống mì KM-140 có lá, ngọn, củ đều ăn ngon hoặc dùng để làm rượu cần cũng ngon hơn nhiều so với các giống mì khác.
Ông Nguyễn Minh Thuận - Chủ tịch UBND xã Sa Bình “khoe” với chúng tôi: Mấy năm nay, người dân Sa Bình không chỉ có nguồn thu nhập từ thu hoạch củ mì mà còn bán giống cây mì KM-140 cho bà con ở nhiều địa bàn trong tỉnh vì năng suất cây trồng mang lại.
Bảo Châu