Lập kênh dẫn vốn đến “Tam nông”
Thời gian qua, bên cạnh việc cho vay trực tiếp đến các hộ dân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Kon Tum (Agribank Kon Tum) đã chủ động phối kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp nhằm chuyển tải đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh cho khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp nông thôn.
Mỗi năm có hàng ngàn hộ nông dân trên địa bàn được vay vốn Agribank Kon Tum để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo lập việc làm, giúp người dân thoát nghèo và làm giàu từ chính các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Agribank Kon Tum về gói tín dụng cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ đạt tổng dư nợ 10.411 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 90,4% dư nợ của chi nhánh. Nghị định 55 là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Có tổng cộng 32.750 khách hàng trên địa bàn vay vốn của Agribank Kon Tum theo Nghị định 55.
Ông Thao Hồng Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, sau một thập kỷ thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sản xuất nông nghiệp và được Chính phủ triển khai chính sách vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, sản xuất về nông nghiệp của tỉnh đã tăng cả về quy mô và trình độ canh tác. Thông qua các tổ, nhóm vay vốn, các tổ viên có điều kiện chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh có hiệu quả góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng. Bên cạnh đó, tổ viên cùng mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới, các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống kinh tế, nhiều hộ từ chỗ “chạy ăn từng bữa” đã vươn lên mức khá giàu.
Nhưng điểm lại sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn nhiều yếu tố về rủi ro như thời tiết, giá cả thị trường, công nghệ khiến người nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Đến nay, nhiều khu vực nông thôn trong tỉnh thu nhập của người nông dân còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn; có nơi tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 30%, vẫn có tới 5,1% số hộ thoát nghèo lại tái nghèo...
Bên cạnh những nỗ lực của Agribank Kon Tum tiếp vốn cho khu vực nông thôn, thì cần có sự chỉ đạo, phối hợp của chính quyền địa phương, các ban ngành, nhất là trong công tác khuyến nông, khuyến lâm tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cung cấp kịp thời thông tin kinh tế (giá cả, thị trường, nhu cầu thị hiếu…) cho nông dân... để chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn thật sự hiệu quả. Ông Thao Hồng Sơn trao đổi với chúng tôi về những giải pháp căn cơ để tạo lập “kênh dẫn vốn” để hỗ trợ “Tam nông” hiệu quả hơn trong thời gian tới.
|
Theo ông Phạm Đình Phước- Phó Giám đốc Agribank Kon Tum, vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ- CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tạo ra một cơ chế thông thoáng hơn như nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình ngoài khu vực nông thôn và 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Đồng thời, các cá nhân, hộ gia đình vay vốn theo Nghị định 116 cũng không phải nộp lệ phí công chứng, lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm.
Triển khai Nghị định 116, Agribank Kon Tum sẽ ký kết lại thỏa thuận hợp tác với các tổ chức hội Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đẩy mạnh cho vay qua tổ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên vay vốn và sử dụng các dịch vụ của Agribank để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Lập kênh dẫn vốn này sẽ giúp người vay vốn tiết giảm chi phí đi lại trong quá trình giao dịch trả nợ; đồng thời giảm tải công việc cho cán bộ tín dụng. Các thành viên tổ vay vốn có thể ủy quyền cho tổ trưởng tổ vay vốn thực hiện việc thu lãi hàng tháng để nộp cho Agribank. Và sau khi Agribank hạch toán thu nợ, thu lãi của các thành viên sẽ gửi tin nhắn xác nhận đến từng thành viên của tổ…Lợi ích lớn nhất là người dân tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại khi làm hồ sơ vay vốn. Ngoài ra, còn giải tỏa được tâm lý e ngại thủ tục rườm rà nên không dám vay vốn để làm ăn.
Thực tiễn cho thấy việc cho vay qua các tổ, nhóm là một kênh dẫn vốn hết sức có hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế không chỉ cho hộ nông dân, mà còn cho cả hoạt động tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội các cấp cũng như của Agribank. Qua đó, hội viên cũng gắn bó hơn với các cấp Hội mà hội viên tham gia sinh hoạt, cùng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình- ông Phạm Đình Phước cho biết thêm.
Dương Lê