Kroong mở hướng đột phá xây dựng nông thôn mới
Không thuộc diện xã điểm, không trông chờ nhiều vào nguồn vốn đầu tư, trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Kroong (thành phố Kon Tum) mở hướng đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giúp dân nâng cao đời sống, thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Để tìm rõ hướng đi đột phá, chúng tôi đến thôn Kroong Klăh. Không giấu giếm, A Mlưn phấn khởi cho biết, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền trong việc chuyển đổi cây trồng, đào tạo nghề, bà con ở đây chuyển đổi đất trồng sắn bạc màu sang phát triển cao su tiểu điền. Gia đình tôi phát triển gần 1,5 ha cao su tiểu điền, đến nay, trên 70% số cây cao su đi vào khai thác năm thứ hai. Gia đình khai thác mủ theo chế độ D3 (1 ngày cạo, 2 ngày nghỉ), bình quân mỗi lần cạo thu được 1,2 tạ mủ, bán được 900 nghìn đến 1 triệu đồng. Ngoài khai thác cao su của gia đình, tôi còn nhận cạo thuê 1,5 ha cao su và có thu nhập thêm 120 nghìn đồng/lần cạo. Bình quân, mỗi tháng gia đình thu nhập hơn 10 triêu đồng từ cao su.
A Mlưh khẳng định, ở làng Kroong Klăh có 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số có cây cao su. Nhiều hộ như A Sáu có gần 3 ha cao su, A Như gần 2 ha cao su…thu từ 1,2-1,5 triệu đồng/lần cạo. Cây cao su giúp người dân hướng thoát nghèo và vươn lên có cuộc sống khá giả.
|
Ở thôn Trung Nghĩa Tây, có nhiều hộ vừa thực hiện mô hình vỗ béo bò, vừa chuyên canh cao su. Ông Nguyễn Văn Vấn khoe: Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây tham gia mô hình vỗ béo bò. Đợt vỗ béo vừa rồi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50% thức ăn (bột cám), thuốc tẩy nội, ngoại ký sinh trùng cho bò, gia đình tham gia vỗ béo 6 con bò. Sau khi hoạch toán kinh tế (tính luôn cả chi phí hỗ trợ), gia đình lãi hơn 6 triệu đồng/tháng từ vỗ béo bò. “Không tính việc vỗ béo tự phát, năm 2017 ở xã có 35 hộ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ vỗ béo bò. Mô hình vỗ béo bò được đánh giá cao, hiện nay, người dân tiếp tục duy trì và mở rộng thực hiện chương trình. Ngoài tham gia vỗ béo bò, gia đình tôi còn trồng 3 ha cao su và nhận khai thác 3 ha cao su của nông trường. Trừ chi phí đầu tư, bình quân hàng tháng, gia đình tôi thu nhập trên 20 triệu đồng từ cao su và vỗ béo bò”-ông Vấn bộc bạch.
Ở thôn Trung Nghĩa Tây, Trung Nghĩa Đông, thôn 2…, năm nay được sự hỗ trợ của tỉnh, thành phố, người dân chuyển đổi đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước tưới sang thâm canh cây mì cao sản hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Kỳ, thôn Trung Nghĩa Đông cho hay, tham gia chuyển đổi đất trồng lúa thiếu nước tưới sáng trồng mì, gia đình trồng giống mì cao sản KM419 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, năng suất mì đạt 30 tấn/ha. Với giá bán 1,7 nghìn đồng/kg mì tươi, trừ chi phí đầu tư, gia đình lãi 40 triệu đồng/ha. Tính ra, trồng mì lãi gấp 4 lần so với trồng lúa.
|
Ông Lê Duy Hưng-cán bộ địa chính phụ trách khuyến nông xã cho biết, ở xã Kroong người dân chuyển đổi hơn 60 ha đất trồng lúa thiếu nước tưới sang trồng mì. Có nhiều hộ trồng mì như hộ ông Nguyễn Văn Tịnh, Đặng Công Thương (thôn 2), Nguyễn Văn Năm (Trung Nghĩa Tây)…năng suất mì đạt 40-50 tấn/ha. Trồng mì cao sản giúp cho người dân nâng cao đời sống và góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Đỗ Văn Đông- Bí thư Đảng ủy xã Kroong, bằng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là những cây trồng vật nuôi mang tính chiến lược, có giá trị kinh tế cao làm khâu đột phá, đến nay, xã Kroong đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí xã đạt nông thôn mới là: quy hoạch, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện, nhà ở dân cư, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, giáo dục, môi trường, hệ thống chính trị và an ninh trật tự xã hội.
Mở hướng đột phá xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân ở xã Kroong ngày một nâng lên.
Văn Nhiên