Kon Tum nỗ lực thu hút đầu tư FDI
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là khu vực kinh tế quan trọng của Việt Nam. Thế nhưng, ở địa bàn tỉnh ta, lợi thế so sánh thấp hơn các tỉnh khác trong vùng, nên việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rất khó khăn. Tính đến hết năm 2018, tỉnh Kon Tum đã thu hút được 10 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 8 dự án còn hiệu lực với tổng mức vốn đăng ký 1.559,358 tỷ đồng.
Những điểm mạnh mà tỉnh ta xác định để thu hút đầu tư nước ngoài như du lịch, siêu thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp (mủ cao su, hạt cà phê...), chăn nuôi gia súc gia cầm… là những lĩnh vực đầu tư có những lợi thế cạnh tranh trong vùng.
Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư được tỉnh đặc biệt quan tâm bằng việc tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, quảng bá môi trường, chính sách đầu tư, tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp khi đến với Kon Tum.
Tỉnh luôn xác định đây là một khâu quan trọng trong việc mời gọi, thu hút các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài đến với địa phương. Vì thế, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, đồng thời tích cực tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư do các tỉnh bạn trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên tổ chức, qua đó giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng tâm.
Thành công gần đây nhất trong việc quảng bá, xúc tiến đầu tư là tỉnh phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức Hội nghị “Đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác” vào đầu tháng 9-2018; qua đó bước đầu gây được sự chú ý của một số nhà đầu tư nước ngoài đến tham dự hội nghị này trong lĩnh vực đầu tư trồng, chế biến các loại cây dược liệu, nhất là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản…
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung giải quyết các vướng mắc về quy hoạch, đất đai để thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ qua các dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông lâm nghiệp chiếm 90,7%; lĩnh vực thương mại – dịch vụ chiếm 6,4% và lĩnh vực công nghiệp chiếm 2,9 % tổng vốn đăng ký đầu tư.
Các quốc gia đầu tư vào tỉnh Kon Tum, đứng đầu là Trung Quốc chiếm 68,75% tổng vốn đăng ký, tiếp theo là Hàn Quốc chiếm 22,13%, Thái Lan chiếm 6,41%, Pháp chiếm 2,07% và cuối cùng là Úc chiếm 0,64%. Các dự án chủ yếu tập trung đầu tư vào địa bàn huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Đăk Tô, Đăk Glei, Đăk Hà, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Tu Mơ Rông, Khu Công nghiệp Hòa Bình.
|
Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa cao; nguồn lực để thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư do Trung ương ban hành còn hạn chế; phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, chưa năng động nên khả năng liên doanh - liên kết với nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn; hoạt động xúc tiến đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của tỉnh chưa mang tính chuyên nghiệp…
Ông Phan Văn Thế - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận: Mặc dù công tác quy hoạch phát triển theo ngành, địa bàn và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã và đang triển khai nhưng chưa được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tài nguyên của tỉnh rất phong phú và đa dạng, nhưng manh mún, phân tán; dữ liệu về tài nguyên khoáng sản chủ yếu dừng lại ở bước điều tra sơ bộ hoặc thăm dò. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn có những bước tiến đáng kể, song vẫn còn nhiều hạn chế. Các khu, cụm công nghiệp, vùng kinh tế động lực, trung tâm đô thị vẫn đang trong quá trình hình thành, chưa đầu tư hoàn chỉnh do nhu cầu về vốn đầu tư lớn. Các chính sách liên quan đến đầu tư còn bất cập, gây khó khăn về thực hiện các thủ tục cho nhà đầu tư; tỉnh Kon Tum có diện tích đất rộng nhưng địa hình chia cắt mạnh, thời tiết đan xen nhiều kiểu khí hậu; hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, thị trường tiêu thụ... chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến khả năng thu hút đầu tư còn thấp. Ngoài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đầu tư theo quy định chung của Trung ương, thì tỉnh chưa có các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo ra sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư FDI, cũng như tạo lợi thế cạnh tranh đối với các tỉnh khác…
|
"Để khắc phục hạn chế nêu trên, tỉnh Kon Tum đưa ra những định hướng, quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh trong thời gian tới, cụ thể: tăng cường xúc tiến thu hút các dự án đầu tư theo hướng có chọn lọc, có chất lượng; tiếp tục phát huy, hiện thực hóa các kết quả bước đầu đã đạt được tại các hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư; thực hiện các nội dung liên kết giữa các địa phương để đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh; tiếp tục thực hiện mời gọi các nhà đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc, Thái Lan,... đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình đầu tư tại tỉnh; tiếp tục rà soát, lập và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch ngành, địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu cơ hội đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài; đa dạng hóa hình thức đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP; khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với nhau và với các doanh nghiệp trong nước; đa dạng hóa hình thức xúc tiến đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua hoạt động đối ngoại, hợp tác với các cơ quan, tổ chức ngoại giao, kinh tế, thương mại của Việt Nam; lấy hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ làm trọng tâm để kêu gọi đầu tư nhằm giảm chi phí và tăng cơ hội tiếp cận thông tin, dự án đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài; xây dựng các chương trình, chính sách để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó đáp ứng các yêu cầu hợp tác và hội nhập quốc tế..." - ông Phan Văn Thế cho chúng tôi biết về những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra.
Dương Lê