Kon Plông: Dồn đổi, tích tụ đất xây dựng "cánh đồng lớn"
Hơn một năm rưỡi triển khai thực hiện Kết luận số 366-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để thực hiện xây dựng “cánh đồng lớn”, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền huyện Kon Plông, bước đầu việc thực hiện trên địa bàn đem lại kết quả khả quan, mở đường cho đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp “bung ra”. Đây là tiền đề quan trọng tạo động lực để phát triển kinh tế nông nghiệp mạnh mẽ, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Thực hiện Kết luận số 366-KL/TU, ngày 17/2/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”, thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Huyện ủy Kon Plông kịp thời xây dựng Chương trình số 51-CTr/HU, ngày 12/4/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy để triển khai thực hiện.
Huyện ủy Kon Plông chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn triển khai quán triệt nội dung Kết luận số 366-KL/TU trong cán bộ đảng viên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhận thức để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và tích cực tham gia thực hiện. Từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tập trung khai thác sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả tài nguyên đất đai để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Để triển khai Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình của Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông có hiệu quả, UBND huyện Kon Plông chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã tổ chức khảo sát, điều tra hiện trạng để lựa chọn thôn làng ở các xã và xác định vị trí thuận lợi thực hiện việc dồn đổi ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn, chọn địa phương, cơ sở làm điểm, sau đó rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng nhằm bảo đảm đem lại hiệu quả, tạo ra sức lan tỏa ngay từ khi triển khai chủ trương.
Trong năm 2017, Kon Plông chọn 3 xã Măng Bút, xã Hiếu và Ngọc Tem làm điểm. Xã Măng Bút chọn 2 thôn Măng Búk và Long Rũa với tổng số hơn 100 hộ tham gia; xã Hiếu chọn thôn Vi Glơng với tổng số 70 hộ và xã Ngọc Tem chọn thôn Điek Nót A với 26 hộ tham gia. Sau khi tiến hành đo đạc, chính quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, đồng thời định hướng cho người dân phát triển cây trồng.
Để tạo sức mạnh trong triển khai thực hiện, UBND huyện Kon Plông vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn cùng chung tay góp sức với vai trò bà đỡ, hỗ trợ cho nông dân, đồng thời đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia, nhất là việc thu mua đầu ra sản phẩm của người dân sau khi tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất trên cánh đồng lớn.
Với cách làm nêu trên, sản phẩm đầu tiên của việc tích tụ ruộng đất đã mang lại “tín hiệu vui” đối với nông dân trong thực hiện phát triển cánh đồng lớn, đó là việc trồng bắp lấy thân để cung ứng cho doanh nghiệp nuôi dê sữa trên địa bàn huyện được triển khai với diện tích hơn 30ha ở 3 xã điểm.
Công ty CP Dược liệu & Thực phẩm Măng Đen tiến hành hợp đồng, tổ chức thu mua sản phẩm thân cây bắp làm thức ăn cho gia súc tại xã Măng Bút, Ngọc Tem và xã Hiếu với giá thỏa thuận. Vụ đầu tiên của năm 2017, với tổng diện tích hơn 30ha, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha, công ty đã thu mua với giá bình quân đạt trên 11 triệu/ha. Sản phẩm nông dân làm ra không còn phải lo khâu tiêu thụ, bởi đã có doanh nghiệp bao tiêu, người dân chỉ tập trung chăm sóc cây bắp đúng quy trình kỹ thuật.
Trên cơ sở thành công bước đầu, năm 2018, Kon Plông tiếp tục triển khai chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp khoảng hơn 52ha ở 6 xã gồm Đăk Long 4ha, Măng Bút 10ha, Ngọc Tem 3,4ha, Pờ Ê 5ha, Măng Cành 17,8ha và xã Hiếu 12ha thực hiện trồng bắp lấy thân. Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen ký hợp đồng thu mua cho nhân dân trên địa bàn huyện; giá thu mua tại trang trại của Công ty là 1.200 đồng/kg bắp lấy thân.
Sau hơn một năm rưỡi thực hiện chủ chương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp, đến tháng 6/2018, đơn vị chức năng huyện, xã đã tiến hành đo đạc dồn đổi, tích tụ được 158,2ha/364 hộ và tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 31,82ha/69 hộ/99 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người dân cũng đã liên kết với Công ty CP Dược liệu & Thực phẩm Măng Đen trồng được hơn 80ha bắp lấy thân để phục vụ chăn nuôi dê sữa trên địa bàn huyện.
Để việc dồn đổi tích tụ đất nông nghiệp ngày càng mang lại hiệu quả mang tính ổn định lâu dài, huyện Kon Plông tiến hành quy hoạch cơ cấu các loại cây trồng cụ thể ở mỗi cánh đồng lớn để triển khai thực hiện thống nhất trong vùng quy hoạch; tổ chức lấy ý kiến dân chủ nhằm tạo sự đồng thuận cao của cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và hộ dân tham gia lựa chọn cơ cấu, thời vụ, giống, phương thức sản xuất, tiêu thụ, trách nhiệm của mỗi bên trong quá trình tham gia.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp ở địa phương tích cực vận động, lựa chọn các doanh nghiệp liên kết tham gia ứng trước vật tư, bao tiêu sản phẩm; tổ chức ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trước mỗi vụ sản xuất…
Song song với đó, chính quyền các cấp tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia liên kết sản xuất, tạo mối liên kết chặt chẽ và bền vững trong quá trình thực hiện nhằm phát huy hiệu quả của việc tích tụ ruộng đất...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lân - Bí thư Huyện ủy Kon Plông khẳng định, việc triển khai thực hiện chủ trương tích tụ đất nông nghiệp, dồn điền đổi thửa nhằm xây dựng cánh đồng lớn tại địa phương bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo đà cho người dân phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập. Qua thực tế triển khai, lợi nhuận người dân thu được tăng gấp đôi trên cùng đơn vị diện tích sản xuất, so với việc trồng cây lúa trước đây. Điều đáng nói, việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp đã tận dụng được diện tích lâu nay bà con nông dân bỏ hoang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; làm thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp…
Văn Phương